Sau gần 5 năm, việc triển khai cơ sở hạ
tầng khóa công khai (PKI) và chứng thực điện tử (CA) ở Việt Nam được
đánh giá là đã đi đúng hướng và bài bản, nhưng tiến độ còn quá chậm.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp tổng kết 5 năm triển khai chứng thực điện tử. (Ảnh: VNN)
Ngày 3/9/2009, Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT, đã tổ chức cuộc họp
tổng kết sau 5 năm triển khai và đề ra phương án phát triển các bước
tiếp theo để Việt Nam dần hoàn thành mục tiêu ứng dụng CNTT rộng rãi
trong mọi lĩnh vực.
Cách đây 5 năm, Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Tin học hóa Nhật Bản
(CICC) và Diễn đàn Cơ sở hạ tầng khóa công khai của Nhật Bản (PKI-J) đã
tổ chức khóa học về chứng thực điện tử với đối tượng tham gia là các
DN, tổ chức chính phủ của Việt Nam. Sau đó Luật Giao dịch điện tử được
thông qua mở ra một cánh cửa mới cho các DN, tổ chức thực hiện các giao
dịch, dịch vụ công thay vì thông qua phương thức truyền thống thì đều
áp dụng cơ chế mới bằng giao dịch điện tử.
Hiện nay, có 2 hạ tầng chính phát triển hệ thống PKI Quốc gia là Bộ
TT&TT và Ban Cơ yếu Chính phủ. Tới thời điểm hiện tại, thống kê của
Bộ TT&TT cho thấy giao dịch điện tử B2C, B2B chiếm tới 2,5% GDP với
những con số rõ nét là 9.300 website với doanh thu từ mua sắm trực
tuyến, điện thoại... lên tới 450 triệu USD và 3000 DN có doanh thu
khoảng 1,5 tỷ USD. Song song với việc đó, nhiều dịch vụ hành chính công
nay đã từng bước áp dụng công cụ trực tuyến có sử dụng chữ ký số như
E-Tax của Tổng cục thuế, E-Banking của Ngân hàng Nhà nước...
Ban Cơ yếu Chính phủ là tổ chức đầu tiên của nhà nước áp dụng và đưa ra
các giải pháp quản lý PKI nhằm mục đích phục vụ cho các cơ quan thuộc
hệ thống chính trị. Cho tới nay, đã triển khai được trên nhiều bộ, ban,
ngành như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đảng. Mục tiêu phấn
đấu trong thời gian tới, đơn vị này sẽ triển khai áp dụng lên toàn bộ
các đơn vị hành chính, tạo tiền đề phát triển cho chính phủ điện tử.
Bộ Tài chính đề xuất nhân rộng mô hình triển khai PKI, theo đó các cơ
quan nhà nước khi giao dịch với cá nhân, tổ chức bên ngoài thì sử dụng
dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, còn giao dịch trong nội bộ thì
sử dụng hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng của Chính phủ. Đại diện
Bộ, ông Trần Nguyên Vũ, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính
cho biết: "Với việc nhân rộng mô hình này, sẽ tạo thuận tiện cho cá
nhân, tổ chức khi giao dịch với các cơ quan Nhà nước (sử dụng một chứng
thư số giao dịch được với nhiều cơ quan khác nhau). Ngoài ra, nó còn
góp phần tăng cường các hoạt động tuyên truyền đào tạo nâng cao nhận
thức của xã hội về tác dụng của chữ ký số".
Đến nay, Bộ Tài chính đã ra quyết định sử dụng hệ thống chứng thực chữ
ký số của VNPT cho giai đoạn thí điểm "Người nộp thuế nộp hồ sơ khai
thuế qua mạng Internet". Ngoài ra, ngày 14/08/2009 vừa qua, Tổng cục
Thuế cũng bắt đầu triển khai thí điểm chương trình này tại TP Hồ Chí
Minh, áp dụng ban đầu cho 100 DN lựa chọn, sau đó sẽ mở rộng cho phép
tất cả các DN trên địa bàn thành phố được đăng ký sử dụng. Tiếp đó sẽ
triển khai tại Hà Nội, Đà Nẵng và sẽ có báo cáo tổng kết vào cuối năm
nay để từ đó chuẩn bị mở rộng hệ thống ra cả nước trong năm 2010.
Về phía khối hệ thống ngân hàng, ông Phan Thái Dũng, Cục CNTT NH Nhà
nước cũng cho biết, kế hoạch phát triển trong thời gian tới sẽ nâng cấp
và hoàn thiện phần mềm CA. Bên cạnh đó tích hợp các nghiệp vụ khác như
Kế toán giao dịch; Thị trường mở và Hệ thống báo cáo thống kê. Từ đó
hoàn thiện hệ thống của khối ngân hàng theo cơ sở pháp lý.
Nhìn chung, việc phát triển cơ sở hạ tầng khóa công khai (PKI) cũng như
chứng thực điện tử (CA) đang triển khai đúng hướng và bài bản. Tuy
nhiên bên cạnh đó cũng không tránh khỏi những rào cản về pháp lý, nhận
thức dẫn tới việc tiến độ triển khai đại trà mô hình này vẫn còn chậm.
Trong thời gian tới, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban ngành,
các tổ chức chính phủ và các DN để từ đó thắt chặt sự liên kết, giao
dịch, hình thành một hạ tầng vững chắc, tạo tiền đề thúc đẩy thương mại
điện tử và chính phủ điện tử phát triển.