28% số học sinh được hỏi khẳng định
“nướng” nhiều giờ mỗi ngày vào các trò chơi game. Trong khi đó, thị
trường game Việt Nam gần như phụ thuộc vào nguồn nhập ngoại, với vô số
loại độc hại.
Bắn, giết thoải mái trên game
Internet đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với khoảng 20,6% dân số
thường xuyên sử dụng. Tỷ lệ này đặc biệt cao trong giới trẻ. Như vậy
với gần 4 triệu người thường xuyên sử dụng Internet, Việt Nam thực sự
là một thị trường tiềm năng khổng lồ.
Nhanh chóng nắm bắt được mảnh đất phát triển mầu mỡ, các game sản xuất
ở nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc) ồ ạt nhảy vào chiếm
lĩnh thị trường.
Hè
2009 này, làng game Việt liên tục chấn động khi các tựa game đình đám
liên tục được kích hoạt, thêm nhiều game online hấp dẫn, đa dạng giữ
chặt các game thủ cũ, hút thêm nhiều game thủ nhí mới.
Có đi mới thấy sự thịnh vượng của các hàng game đang mọc lên như nấm
khắp thành thị, nông thôn. Tại Hà Nội, các trò chơi game xuất hiện khắp
hang cùng ngõ hẻm.
Dừng lại ở một đoạn ngắn khoảng, 300m đường Lương Thế Vinh, Thanh Xuân,
PV Dân trí đếm được không dưới 10 cửa hàng game lớn bé. Mỗi cửa hàng
đặt ít nhất 40 máy, từng dãy ghế ngồi kê san sát. Tất cả đều chật kín
khách hàng. Đa số game thủ đều trong độ tuổi học sinh. Các em say sưa
với những trò chơi đâm, chém, bắn, giết điên cuồng, miệng không ngớt
tuôn những tràng chửi thề tục tĩu.
Minh Hiếu, học sinh lớp 8, nhà ở D4- Tập thể Thanh Xuân Bắc thú nhận,
em và nhiều bạn mê game đến mức từ sáng sớm đến tối khuya, ăn uống tại
chỗ để có thể “chiến đấu” trên trò chơi trực tuyến với tên gọi “Độc bá giang hồ” đang nổi lên với vô số pha chặt chém, giết và sex (chém rơi quần áo của đối thủ).
Hiếu thú nhận, cậu và rất nhiều bạn cùng lớp đã “nướng” phần lớn quỹ
thời gian trong ngày để chơi game. Đặc biệt trong thời gian nghỉ hè, cứ
bố mẹ bước chân ra khỏi nhà đi làm lúc 7h sáng, thì 7h15 Hiếu đã có mặt
cùng đám “chiến hữu” tiếp tục “chiến đấu”. Tiền chơi game không đáng
ngại, đã có khoản bố mẹ cho để tiêu vặt và khoản đáng kể khác cậu bé có
được khi nói dối dùng để đóng phí học thêm.
Công ty Egame cũng đã tiến hành điều tra lấy ý kiến của gần 4.000 học
sinh với câu hỏi : “Hàng ngày bạn dành thời gian nhiều nhất trong lĩnh
vực nào”. Kết quả thu được: 54% số em trả dành cho học tập, 28% trả lời
dành thời gian để chơi game.
Theo thống kê của ngành giáo dục, mỗi năm nước ta có khoảng 9 triệu thí
sinh thi đại học hàng năm; 7,3 triệu học sinh tiểu học; 6,4 triệu học
sinh THCS; 3 triệu học THPT. Nếu một phần thế hệ trẻ - tương lại của
đất nước - bị chi phối và đầu độc bởi những loại game độc hại đang tràn
ngập thì hậu quả sẽ ra sao?
Game "chơi mà học" tuyên chiến với "bom tấn"
Theo báo cáo từ Bộ Thông tin & truyền thông, sau 6 năm phát triển,
trên thị trường Việt Nam hiện có trên 40 loại game hoạt động. Phát
triển đặc biệt nhanh là game online, thu hút hàng triệu người, đặc biệt
là nhóm nằm trong độ tuổi học sinh
Lý giải hiện tượng vì sao có quá nhiều trẻ mê game. Các chuyên gia cho
rằng, sau áp lực của bài vở từ chính quy đến các lớp học thêm, nhóm học
sinh nhất là đối tượng sống ở các thành phố đông đúc, ngột ngạt đều
mong muốn được thư giãn, giải trí. Nhưng đa phần chúng không tìm được
sân chơi và địa điểm giải trí lành mạnh. Vì vậy, chúng tìm đến loại
hình giải trí ảo là điều tất yếu.
Tại một buổi tòa đàm liên quan tới game online, đại diện của ngành giáo
dục thừa nhận, hiện tình trạng học sinh đang bị sa đà quá độ vào game
đến mức trở thành con nghiện, bỏ học, thậm chí phạm pháp để có tiền
chơi game đang gia tăng đáng lo ngại.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng khẳng định không thể cấm game bởi bên cạnh
những mặt tiêu cực thì không thể phủ nhận tác dụng tích cực do game đem
lại. Nếu có thể kiểm soát về thời gian và chương trình game sử dụng là
lành mạnh nó sẽ giúp người chơi, đặc biệt là các em vừa giải trí lại
phát huy tư duy nhạy bén.
Mới đây, một công ty phát hành game nội địa tuyên bố sẽ đưa vào thị
trường Việt Nam, đặc biệt là môi trường giáo dục một loại hình game
giáo dục theo hình thức “chơi mà học”, nghĩa là vừa giúp trẻ giải trí
lại có thể giúp các em học tập qua các trò chơi.
Dự án này đã nhận được sự đồng thuận ban đầu từ phía Bộ Giáo dục&
Đào tạo. Tuy nhiên, hình thức trò chơi khá mới này có thắng nổi những
game trực tuyến liên tục được quảng cáo là "bom tấn" đang ào ào phát
triển trên thị trường Việt Nam hay không thì còn cần thời gian và thực
tế.
|