Hệ điều hành sắp ra
mắt Windows 7 của Microsoft có thể sẽ thay đổi ngành công nghiệp máy
tính cá nhân vĩnh viễn, hãng nghiên cứu Frost & Sullivan tuyên bố.
Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách công nghệ của Frost & Sullivan, ông Martin Gilliland tin rằng Windows 7 đại diện cho "một
sự chuyển hướng, mà lần đầu tiên trong lịch sử PC, mối dây liên kết
giữa hệ điều hành máy tính với chu kỳ nâng cấp phần cứng sẽ bị phá vỡ".
|
Nguồn: AP |
"Hành động giã từ truyền thống này sẽ buộc các doanh
nghiệp PC và các nhà cung cấp linh kiện như Intel phải nghĩ ra cách mới
để thuyết phục, khuyến khích người dùng nâng cấp phần cứng", ông Gilliland nói.
Trong bản báo cáo Thị trường châu Á - Thái Bình Dương mới công bố,
Frost & Sullivan cho biết Windows 7 là hệ điều hành nâng cấp đầu
tiên không đòi hỏi nhiều tài nguyên phần cứng hơn các phiên bản tiền
nhiệm. Điều đó có nghĩa là lần đầu tiên, Microsoft tung ra một hệ điều
hành PC không ép buộc người mua phải bỏ tiền ra sắm những cỗ máy cao
cấp hơn, đời mới hơn.
Trên thực tế, yêu cầu về cấu hình chính thức của Windows 7 còn thấp hơn
một chút so với Vista. Cụ thể, yêu cầu đối với CPU và RAM thì vẫn vậy
nhưng ổ cứng không cần phải quá hoành tráng".
Đẩy mạnh sáp nhập
Các chuyên gia của Frost & Sullivan dự đoán rằng, nếu như Microsoft
tiếp tục chia rẽ việc nâng cấp hệ điều hành với phần cứng, các doanh
nghiệp PC sẽ buộc lòng phải tìm cách sáp nhập với nhau để có thể tồn
tại. Hệ quả là thị trường PC toàn cầu sẽ chịu sự chi phối của một nhóm
nhỏ các doanh nghiệp PC khổng lồ.
Theo ông Gilliland, Intel và Microsoft luôn tung ra những sản phẩm mới,
quan trọng một cách nhịp nhàng với nhau trong suốt 30 năm qua. Dù một
bên là phần cứng, một bên là phần mềm, song chu trình phát hành và cấu
hình đều tương ứng và ăn khớp tối đa.
"Sự gắn kết giữa Microsoft và Intel đã kéo dài nhiều thập kỷ,
khiến cho người ta nghĩ rằng ngành công nghiệp PC tồn tại hai cổ đông
độc quyền "ảo" trong hai lĩnh vực then chốt của thị trường là hệ điều
hành và CPU".
Tuy nhiên, Windows 7 đánh dấu một sự "rời xa" của hai gã khổng lồ. Mặc
dù vậy, phải chờ đến phiên bản Windows hậu Windows 7 (sẽ được phát hành
trong vòng 3 năm nữa), người ta mới biết sự xa rời lần này là một chiến
lược hẳn hòi của Microsoft, hay chỉ là một sách lược nhất thời, nhằm
khắc phục những hậu quả tồi tệ mà Vista đã gây ra.
Vista - Nỗi hổ thẹn muôn đời
Trong bản báo cáo, Gilliland nhận định một trong những vướng mắc lớn
nhất mà người dùng vấp phải với Vista, chính là hiệu suất quá kém của
hệ điều hành này.
"Ngay cả những người có cảm tình với Vista cũng phải than
phiền về tốc độ chạy chậm như rùa của máy tính, nhất là nếu đem so sánh
với môi trường Windows XP".
"Microsoft đã phải hứng chịu những nỗi đau lớn khi khuyên
người dùng cá nhân và doanh nghiệp sắm sửa những cỗ máy hùng hậu để
chạy Vista. Nhưng thực tế là ngay cả những cỗ PC cao cấp cũng phải vật
lộn với "trọng lượng" khủng khiếp của Vista".
Sứ mệnh của Windows 7 là phải khắc phục được vấn đề này. Chỉ có điều sự
khắc phục của Microsoft sẽ làm thay đổi cách vận hành của ngành công
nghiệp PC, trong ít nhất là 1-2 năm tới, nếu không muốn nói là mãi
mãi".
Gilliland cho rằng Windows 7 sử dụng các tài nguyên hiệu quả hơn nhiều
so với Vista, và do đó, nó sẽ chạy nhanh hơn hẳn trên cùng một hệ
thống. "Nếu
như hầu hết người dùng cần phải nâng cấp máy tính đang dùng, hoặc mua
một cỗ PC hoàn toàn mới để chiến đấu với Vista, thì người dùng Windows
7 chẳng cần làm gì cả".
"Quan trọng hơn, những cỗ máy được dán nhãn "Sẵn sàng cho
Vista" sẽ chạy ổn định hơn và nhanh hơn rất nhiều nếu chúng vận hành
trên nền Windows 7".
(Theo PCWorld)
|