Phiên
bản này như "lột xác" về hình thức so với G430 và G530, nhờ các góc máy
bo tròn và vẻ ngoài bắt mắt. Đáng tiếc, cấu hình vẫn chỉ ở mức trung
bình.
Lenovo G450 với các góc bo tròn mềm mại. Ảnh: Itechnews.
Thay cho thiết kế hình hộp vuông vức một màu đen của
đàn anh, Lenovo G450 mỏng và gọn hơn với các góc máy bo tròn mềm mại.
Vỏ và khung máy được làm mới và có màu ghi sẫm, bóng bảy và bắt mắt.
Song logo Lenovo vẫn chỉ được phủ sơn khá thường ở góc trên ngoài nắp
máy nên có thể sẽ bong trong quá trình sử dụng.
Khi mở nắp sẽ bắt gặp ngay các nút đệm cao su để giữ màn hình. Những
nút này được bố trí nổi, rất lộ, thay cho chốt hãm cố định chắc chắn
nhưng thiếu thẩm mỹ trước đây. Bên cạnh đó, phím nguồn, các phím cảm
ứng điều chỉnh âm lượng cũng mềm mại hơn với thiết kế tròn thay thế cho
các phím vuông thô cứng. Phím cảm ứng đèn LED mờ dưới lớp sơn nền màu
xanh cốm - điểm mới trong thiết kế của Lenovo G450 - khá nhạy và trực
quan, bởi mỗi khi điều chỉnh âm lượng, hay bật/tắt loa sẽ có biểu tượng
xuất hiện ở góc màn hình. Ngoài ra, một hệ thống đèn LED báo hiệu được
đặt ngay chính giữa cạnh trước của máy thay vì ở phía bên trái như
thông thường, rất dễ gây mất tập trung.
G450 vẫn giữ nguyên thiết kế bàn phím giống các đàn anh G430, G530 với
các phím nổi, bề mặt nhám đặt xát nhau. Tuy nhiên, màu đen của các phím
không ăn nhập lắm với tông màu ghi của vỏ máy và khung bao phía ngoài .
Hàng phím chức năng rất dễ nhận diện với các ký hiệu được in sơn màu
cam nổi bật. Song một số bố trí chưa hợp lý lắm, đặc biệt là việc đẩy
phím "Fn" sang bên phải phím "Ctrl" ở phía ngoài cùng bên trái gây bối
rối cho những người hay sử dụng các tổ hợp phím tắt có "Ctrl". Ở góc
phải phía trên ngoài cùng, phím "Delete" lại bị đặt vào giữa hai phím
"Insert" và "Prt sc".
Nhìn chung, các phím có độ nhạy vừa phải, dùng khá êm và thoải mái khi
gõ văn bản dài. Song sẽ tốt hơn nếu Lenovo vẫn giữ nguyên vị trí các
phím cũng như đẩy các phím giãn cách hơn bởi rìa hai cạnh bên vẫn thừa
khá nhiều khoảng trống. Touchpad kích thước 85 x 45 mm cũng có bề mặt
nhám và cùng màu ghi với khung bao, khá nhạy có cả thanh cuộn chuột rất
tiện dụng. Phía dưới là hai phím chuột được sơn bóng nhạy, click kêu
rất to.
Màn hình LED 14 inch. Ảnh: Aczafra.
Lenovo G450 được trang bị màn hình LED 14 inch độ
phân giải HD, 1.366 x 768 pixel. Mặc dù là màn gương, nhưng không quá
bóng, cho hình ảnh màu sắc tươi sáng. Nhưng với tỉ lệ khung hình 17:9,
chiều dọc màn hình chỉ 17 cm khá bất tiện khi duyệt web hay đọc các văn
bản dài. Màn hình được thiết kế với bản lề gập có góc mở tối đa 120 độ.
Hệ thống 2 loa stereo được bố trí ngay mép dưới của màn hình cho chất
lượng âm thanh trung bình, âm lượng đủ lớn nhưng không trong, nghe lớn
dễ bị méo tiếng và thiếu âm bass. Khi nghe nhạc bằng headphone thì hay
hơn nhiều, và thực ra để thưởng thức "âm nhạc đỉnh cao" trên laptop
nhất thiết là nên dùng headphone hoặc loa ngoài thay cho các hệ thống
loa tích hợp.
Máy cũng được trang bị khá đầy đủ các cổng giao tiếp và kết nối, nhưng
đáng tiếc nhất là không có đầu đọc thẻ nhớ SD/MMC tích hợp sẵn. Phía
cạnh phải là khe cắm nguồn, ổ quang và một cổng USB. Bên trái là cổng
xuất hình VGA, thêm 2 cổng USB và cổng LAN. G450 có cả kết nối
Bluetooth và Wi-Fi với phím bật/tắt đặt ở cạnh trước cùng 2 giắc âm
thanh Micro/Headphone. Máy có sẵn Webcam tích hợp 1,3 Megapixel nhưng
chưa được trang bị ngõ xuất hình HDMI đời mới.
Thiết kế bàn phím không thay đổi. Ảnh: Longbinh.
Với mức giá khoảng 10 triệu đồng, Lenovo G450 sở hữu
một cấu hình vừa đủ cho các công việc văn phòng cũng như đáp ứng tốt
nhu cầu dùng máy cho việc giải trí phổ thông nhất. Bao gồm, vi xử lý
Intel Dual Core T4300 2,1 Ghz, bộ nhớ RAM 1 GB, ổ cứng HDD 250 GB, và
đồ họa tích hợp Intel GMA 4500MHD. Mặc dù trong cấu hình, Lenovo G450
được bán mà không có kèm hệ điều hành (PC Dos) nhưng các cửa hàng
thường cài đặt trước hệ điều hành Windows Vista Home Premium (bản OEM)
bởi đi kèm máy có sẵn đĩa Driver cho hệ điều hành này.
Chỉ số Vista Index đánh giá khả năng làm việc của phần cứng trên nền
giao diện đồ họa cao cấp Aero của Lenovo G450 là 3,3/6 - thuộc mức
trung bình của phân khúc laptop phổ thông, đảm bảo máy thực thi tốt các
ứng dụng cơ bản. Trên thực tế, khả năng thực thi đa tác vụ của máy rất
ổn, bạn có thể cùng lúc mở đến 10 tabs (thử nghiệm chủ yếu với các đầu
báo điện tử lớn của Việt Nam) khi duyệt web bằng phần mềm Firefox,
trong khi đang soạn thảo văn bản với Microsoft Word 2007, xem ảnh dạng
slide show bằng Windows Photo Gallery và nghe nhạc sử dụng Windows
Media Player 11.
Kết quả Benchmark với bộ phần mềm PCMark Vantage đong đếm hiệu năng
tổng thể của máy đạt 2.410 điểm thấp hơn đáng kể so với mức 3.000 điểm
của laptop hạng trung dùng vi xử lý lõi kép. Kết quả này không có gì là
nổi bật nhưng phản ánh đúng sức mạnh của việc kết hợp bộ 3 "bình dân"
CPU T4300, RAM 1 GB và đồ họa tích hợp Intel GMA 4500MHD, song lại cao
hơn nhiều so với một số mẫu laptop cùng phân khúc như Acer Timeline
4810T (1.511 điểm) hay HP Compaq CQ60 (1.829 điểm).
Lenovo G450 gần như "bất lực" trước thử nghiệm 3DMark Vantage đánh giá
khả năng đồ họa khi liên tục bị lỗi ở khâu cuối và không thể xuất ra
điểm số. Nguyên nhân chính là dung lượng RAM hạn chế 1 GB chưa đủ cho
quá trình xử lý của bộ phần mềm ngốn tài nguyên này. Tuy nhiên,
Benchmark đồ họa bằng CineBench R10 rất khả thi, và G450 cho kết quả
1.902. Con số này chứng tỏ khả năng xử lý đồ họa "kha khá" của máy.
Với game 3D Tam Quốc Diễn Nghiã (Dynasty Warriors 4), một tựa game hành
động nhập vai khá quen thuộc với các thế hệ game thủ trong thời gian
qua, Lenovo G450 có thể xuất hình mượt mà, tối đa 30 khung hình/giây ở
độ phân giải 1.024 x 768 pixel và 53 khung hình/giây ở độ phân giải 800
x 600 pixel. Còn với game Alien Shooters nặng ký, G450 cũng vẫn chơi
tốt với tốc độ xuất hình 14 khung hình mỗi giây ở 1.024 x 768 pixel và
tối đa 22 khung hình/giây ở độ phân giải 800 x 600 pixel.
Cạnh bên trái. Ảnh: Hoàng Hà.
Người sử dụng cũng có thể hoàn toàn yên tâm về khả
năng xử lý các tệp tin đa phương tiện trên Lenovo G450. Khi rip nhạc từ
đĩa CD vào máy bằng phần mềm Jet Audio về định dạng .wma 128 Kb/giây,
tổng thời gian cần thiết cho việc rip 12 track nhạc là 10 phút với tốc
độ trung bình 5X, khoảng 6,5 Mb/giây và ngốn khoảng 60% "công lực" của
CPU. Trong khi đó, thời gian chuyển đổi 12 track nhạc .wma 128 Kb/giây
trên sang định dạng .mp3 128 Kb/giây sử dụng MediaCoder mất có 6 phút,
chất lượng âm thanh sau khi convert rất tốt. Với các file video, khi
encode và chuyển định dạng bằng phần mềm Windows Media Encoder 9.0 luôn
bị lỗi "not responding" do lượng RAM 1 GB quá hạn chế. Song nếu dùng
phần mềm miễn phí mã mở Media Coder 0.7.0, thời gian chuyển đổi file
video .avi - clip nhạc thời lượng 4 phút dung lượng 60 Mb sang định
dạng .mp4 2.000 Kb/giây chất lượng cao chỉ mất có 2 phút, và 3 phút để
được file định dạng .mov dùng cho iPod và iPhone (có độ phân giải 640 x
480 pixel, 30 khung hình/giây, 2.000 Kb/giây).
Tuy chỉ sử dụng card đồ họa tích hợp Intel GMA 4500MHD (lấy tối đa 256
MB RAM), nhưng khi xem video định dạng HD 720p và Full HD 1080i (1.920
x 1.080 pixel) Lenovo G450 vẫn cho hình ảnh mượt mà, âm thanh đồng bộ
hóa mà máy hoàn toàn không bị lỗi "not responding", và bạn vẫn có thể
chuyển đổi sang các cửa sổ làm việc khác cùng lúc.
Với pin Lithium-Ion 6 cell (nâng tổng trọng lượng máy lên 2,4 kg),
Lenovo G450 xem phim DVD được khoảng 2 giờ 30 phút nếu thiết lập độ
sáng màn hình 85%. Còn khi chạy đa tác vụ, chủ yếu là lướt web Wi-Fi và
làm văn bản, máy có thời lượng hoạt động trên 3 giờ liên tục.
Cạnh bên phải. Ảnh: Hoàng Hà.
Hiện tại, Lenovo G450 đang được phân phối chính thức
tại Việt Nam và được bán rộng rãi ở các cửa hàng máy tính trên toàn
quốc với 2 phiên bản G450 (5902_3847) sử dụng vi xử lý Intel Dual Core
T3100 1,9 Ghz có giá 7,5 triệu đồng và phiên bản máy đánh giá G450
(5902_3666) chạy CPU Intel Dual Core T4300 2,1 Ghz giá khoảng 10 triệu
đồng (chưa gồm VAT).
Theo SoHoa