Chơi
game trên Facebook (FB) đang trở thành “mốt” không chỉ của tuổi teen mà
đang lấn sang cả các công sở, doanh nghiệp. Những công chức, nhân viên
cần mẫn bất chợt chuyển nghề trở thành những “nông dân” chăm chỉ trên
không gian ảo.
Những nông dân thế hệ @
Sau khi Yahoo! 360 tuyên bố khai tử, cộng đồng mạng bắt đầu tìm kiếm
một mạng xã hội khác thay thế và FB chính là bến đỗ mới của nhiều
người. Điểm đặc biệt của mạng xã hội này là ngoài chức năng như viết
lách, tải ảnh, FB còn có một chức năng độc đáo khác đó là cho phép
những người tham gia có thể chơi các game trực tuyến tổ chức theo hình
thức mạng xã hội.
Khá nổi bật và hút lượng lớn thành viên thuộc giới công chức văn phòng
là các game về trồng trọt, chăn nuôi. Cộng đồng FB quen gọi thể loại
này là “game nông dân”. Dù đã xuất hiện nhiều năm trước nhưng thể loại
game này đa phần là game offline, độ tương tác không cao nên ít người
chơi. Khi được tích hợp online, kết hợp với độ hấp dẫn của mạng xã hội,
game nông dân mặc nhiên trở thành “mốt”.
Bên cạnh game nông dân, những thể loại game khác như Crime World, Hero
World, Kung Fu Pets, Mafia Wars… là các trò chơi giả lập đánh nhau
online, hay các trò nuôi thú ảo cũng đang hot trên FB và thu hút được
nhiều người tham gia. Vậy là, từ môi trường giải trí lành mạnh, sự phát
triển của game trên FB với mức độ tham gia dày đặc của nhiều người, đặc
biệt là giới văn phòng, đã trở thành nỗi lo của nhiều doanh nghiệp.
Theo hướng lan truyền chóng mặt, người này truyền đến người nọ và cứ
thế các trò game trở thành yếu tố không thể thiếu trong xã hội ảo.
Mặt trái của game FB
Anh Thái Hòa, nhân viên công ty PR cũng là một fan của FB cho biết,
không riêng gì anh mà gần hết nhân viên trong công ty đều… nghiện, giờ
đây có bất cứ chuyện gì cũng đem lên FB mà “tám” cùng nhau. Việc đầu
tiên của nhiều người khi đến cơ quan hiện nay không còn là check mail
như trước mà là truy cập vào FB, kiểm tra xem có ai comment gì không,
nhận các quà tặng rồi mở game, kiểm tra vườn tược, bò, chó… “Hiện
nay tôi tham gia khoảng 4-5 game trên FB, từ trồng cây tới các game
đánh đấm, nhiều khi không login bằng máy tính được thì tôi login bằng
điện thoại di động”, anh Hòa chia sẻ.
Còn theo chị Khánh Ngọc, kế toán của một công ty may mặc, cái hay của
game là khi chơi sẽ được hòa vào cuộc sống nông thôn, được nghe tiếng
gà kêu, chó sủa thật sinh động, cứ như là ở thôn quê vậy.
Anh Thanh Tùng, một fan khác của FB cho biết: “Nếu mỗi ngày
không vào chăm sóc vuờn thì chịu không nổi. Nhiều lúc cũng cố gắng
không chơi, nhưng cứ thấy bạn bè tặng quà nhiều, lại nghĩ đến trồng cây
mà không thu hoạch thì dễ bị héo. Nên mình cứ vào thu hoạch, thu hoạch
xong rồi sang chăm sóc vườn bạn, tính ra thì rất mất thời gian”.
Theo tính toán của trang timnhanhblog, nếu tính trung bình, dân
văn phòng được trả 5.000 đồng/giờ làm việc thì ít nhất một công chức có
tham gia FB cũng phải đốt 10.000 đồng cho mỗi ngày làm việc của họ (nếu
họ tham gia những trò chơi trên FB). 10.000 đồng x 1.000 người sử dụng
thì con số sẽ là 10 triệu đồng/ngày. Nhân con số này với 30
ngày, sẽ có 300 triệu lãng phí mỗi tháng. Nếu số người sử dụng FB ở
Việt Nam là hàng triệu người thì số thời gian lãng phí quy ra tiền có
thể lên đến tiền tỷ.
Có chống được cơn nghiện “làm vườn”?
Trước thực trạng trên, hiện nay một số doanh nghiệp đã có biện pháp
chống lại cơn nghiện FB, cụ thể là bằng các biện pháp như chặn tường
lửa. Hoặc có nơi đưa ra quy chế xử phạt đối với nhân viên khi chơi game
trong giờ làm việc. Có những nơi mặc dù còn ít người dùng FB nhưng quản
lý công ty đã phải sớm có lệnh cấm.
Theo lời đồng nghiệp đang công tác tại một tờ báo lớn của thành phố,
giới phóng viên vốn là những người bận rộn nhất giờ cũng phải “khổ sở”
đốt thời gian với thú vui làm vườn. Trước làn sóng chơi game dữ dội, cơ
quan này đã ra quy định xử phạt 300.000 đồng cho những ai chơi game
trong giờ làm.
Trong khi đó, anh Khang, một kỹ thuật viên cũng khẳng định công ty anh
đã phải dùng phần mềm chặn truy cập để các nhân viên văn phòng không
"sa lầy" vào các website chuyên ngốn thời gian. Kỹ thuật viên nhận được
lệnh cấm cả những trang có đông truy cập và chuyên "tán dóc". Trong
danh sách này có cả webtretho, nơi các “bà tám” thường xuyên xuất hiện
và ngồi thiền hàng tiếng đồng hồ. Theo blogger HOS, quản lý kỹ thuật
của một công ty tại Hà Nội, toàn bộ truy cập của nhân viên công ty vào
FB đã bị kiểm soát. Trong giờ làm việc, không ai có thể vào FB bởi kỹ
thuật viên đã chặn truy cập. Tuy nhiên, là một công ty tư nhân, công
việc có thiên hướng về giải trí nên HOS cho rằng không cần thiết phải
cấm triệt để. Và cách để HOS làm mọi người cảm thấy thoải mái là mở ra
vào những giờ nghỉ.
Mặc dù các doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp chế tài lẫn kỹ thuật để
ngăn chặn nạn chơi game trên FB trong giờ hành chính, thế nhưng đó chỉ
là những biện pháp nhất thời. Vấn để ở đây chính là vai trò của những
người tham gia mạng xã hội này bởi FB sẽ không là vấn nạn nếu người
chơi sắp xếp được thời gian làm việc hợp lý và chơi game vào giờ nghỉ
để không làm ảnh hưởng đến công việc.
(e-Chip)