Chỉ với khoảng 300.000đ người tiêu dùng
đã có thể tậu cho mình một thiết bị hỗ trợ cho việc kết nối mạng không
dây trong phạm vi gia đình, công ty có quy mô nhỏ. Tuy
nhiên, cũng không ít sản phẩm lại có giá không dưới 600.000đ, trong khi
chất lượng và sự hoạt động ổn định của mỗi sản phẩm là nguyên nhân
khiến nhiều người đắn đo chọn lựa.
Một loại Router Wifi có bán trên thị trường
Đa dạng thị trường router
Theo khảo sát mới nhất, hầu hết các loại router Wi-Fi phổ biến hiện nay
đều có mức giá từ khoảng 800.000đ - 2,3 triệu đồng như: Linksys, Dlink,
Draytek… Duy một số thương hiệu có mặt tại Việt Nam chưa lâu như Tenda,
Buffalo… có mức giá chỉ tầm 300.000đ - 1,5 triệu đồng. Hầu hết sản phẩm
đều được bảo hành 12 tháng.
Ngoài ra, thị trường còn có sự góp mặt của một số router thương hiệu
nổi tiếng như Netgear, Trendnet, 3Com… được xách tay từ nước ngoài có
mức giá khá hấp dẫn chỉ khoảng 600.000đ – 1,2 triệu đồng nhưng đổi lại
thời hạn bảo hành chỉ khoảng từ 1 – 3 tháng.
Vì nhu cầu tiện lợi cho công việc nên anh Nguyễn Văn Trung, Quận 3,
TP.HCM cần sắm cho mình một router Wi-Fi cho căn nhà diện tích khoảng
100m2. Anh không biết phải lựa chọn loại nào, thương hiệu nào cho phù
hợp vì hiện tại có rất nhiều thương hiệu được giới thiệu và khá nhiều
giá bán. Để yên tâm, anh Trung quyết định chọn một sản phẩm tầm trung
hiệu Linksys có giá gần 700.000đ và chỉ được tư vấn ngắn gọn “Loại này người tiêu dùng chuộng lắm và độ phát sóng rất mạnh”.
Trong khi đó, anh Minh Hưng, Q. Phú Nhuận kể: “Tôi vừa bán
lại con Wi-Fi chuẩn N mới mua được hai tuần với giá chỉ 900.000đ vì
sóng cứ chập chờn, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc”.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, phụ trách kinh doanh, Siêu thị Máy tính Phong Vũ cho biết: “Một
số router Wi-Fi bán chạy tại đây thường là Linksys, Dlink, Draytek,
Zyxel. Điều đó cũng cho thấy người tiêu dùng cũng đã khá quen với nếp
trung thành với những thương hiệu quen thuộc dù giá có cao hơn những
thương hiệu mới xuất hiện. Các sản phẩm này cũng đã tạo niềm tin cho
người tiêu dùng trong nhiều năm qua”.
Chọn mua sản phẩm với mức giá trung bình là lời khuyên của nhiều kỹ
thuật viên cũng như các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này. Theo anh
Lương Văn Dũng, Quận 3, từng là đại lý phân phối một số router Wi-Fi
cho khu vực TP HCM chia sẻ: “Bo
mạch là thành phần chính quyết định chất lượng hoạt động cũng như độ ổn
định của sản phẩm. Đa phần các sản phẩm có giá khá mềm khoảng 300.000đ
hiện nay đều được lắp ráp từ bo mạch có chất lượng thấp. Vì vậy chúng
thường xảy ra lỗi trong quá trình sử dụng”.
Anh Dũng phân tích, tuy vẫn đạt yêu cầu về khoảng cách phát sóng nhưng
các sản phẩm ở mức giá này thường có lỗi hoạt động không ổn định. Nếu
hoạt động liên tục khá lâu, router loại này thường bị nóng lên và hiện
tượng sóng chập chờn thường xuyên diễn ra. Ngoài ra, một số lỗi đi kèm
như router không thể cấp IP cho các máy Client bên trong.
Các thương hiệu router như Dlink, Linksys, Draytek… có xuất xứ từ Trung
Quốc nhưng được lắp ráp bằng các bo mạch chất lượng cao hơn. Các chip
điều khiển hoạt động ổn định và không tạo ra nhiệt độ quá cao khiến quá
trình xử lý bị gián đoạn. Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, các thương
hiệu có chất lượng tốt nhất là 3Com hay Linksys.
Đầu tư phù hợp để tránh lãng phí
Router Wi-Fi hiện tại có hai chuẩn phát sóng phổ biến là chuẩn 802.11G
ở tốc độ 54 Mbps và chuẩn N với tốc độ tối đa có thể đạt được là 300
Mbps. Loại chuẩn G dùng tốt cho các doanh nghiệp nhỏ hay nhu cầu sử
dụng trong gia đình. Ngoài ra, với nhu cầu doanh nghiệp bạn cần lưu ý
đến tính năng tường lửa để phòng tránh các tác nhân gây hại. Công nghệ
tường lửa phổ biến trong các router hiện nay là NAT, nhưng các sản phẩm
hỗ trợ công nghệ SPI (stateful packet inspection) là lựa chọn tốt cho doanh nghiệp mà không cần phải đầu tư nhiều vào các công nghệ phức tạp.
Trong khi đó, sản phẩm sử dụng trong gia đình sẽ đặt nặng nhu cầu tốc
độ, vì thế các thiết bị phát sóng chuẩn N là lựa chọn tối ưu. Bởi các
dòng router N thường được hỗ trợ tính năng đơn băng (single band) và
hai băng tần (dualband)
chạy song song. Trong khi các router G chỉ chạy băng tần 2.4 Ghz thì
các dòng N sử dụng cả 5 Ghz. Vì vậy, băng thông truyền tải dữ liệu của
dòng N luôn cao hơn khoảng năm lần so với loại G khi thử nghiệm trong
thực tế. Tuy nhiên, người sử dụng cũng nên cân nhắc kỹ nhu cầu sử dụng
khi đầu tư vào các router dualband vì chúng thường có giá cao hơn các
loại single band.
Cấu trúc bộ thu phát mạnh cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu suất hoạt
động của các router Wi-Fi. Điều này đồng nghĩa với số lượng ăngten bên
ngoài và bộ thu phát bên trong router càng nhiều thì cường độ tín hiệu
càng tốt. Điều quan trọng là cứ một bộ thu phát được cấu hình bên trong
cần đi kèm với một ăngten bên ngoài sẽ cho hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, nếu không đủ tiền bạn cũng có thể tận dụng những sản phẩm
đã qua sử dụng với các thương hiệu ổn định kể trên cũng với tầm giá
khoảng 300.000đ. Tuy nhiên, bạn nên yêu cầu người bán hỗ trợ chế độ bao
sử dụng kiểm tra thử trong vòng 3-7 ngày để phòng trường hợp sản phẩm
đã bị lỗi.
|