Apple, Dell, Intel,
HTC, Nokia, TechCrunch... hàng loạt những cái tên “nổi như cồn” của
làng công nghệ đang nhăm nhe trình làng những chiếc máy tính bảng màn
hình cảm ứng.
Không ít người đã dự đoán năm 2010 sẽ là năm của máy tính bảng
(tablet). Nhưng thực sự thế hệ sản phẩm mới này có thể gây chấn động
thị trường thế giới?
Cuộc đua thầm lặng
Ngay sau khi thông tin về chiếc tablet của Apple vừa rò rỉ và gây xôn
xao cộng đồng cư dân công nghệ trên Internet, trang web Wired.com lại
lập tức tiết lộ thông tin từ “một vị lãnh đạo có uy tín” cho biết hai
đại gia khác là Dell (hãng máy tính Mỹ) và Intel (hãng sản xuất chip
lớn nhất thế giới) cũng đang ráo riết hợp tác với nhau để trình làng
sản phẩm tablet có màn hình cảm ứng vào đầu năm sau.
Nguồn tin này còn cho biết, chiếc tablet của Dell và Intel có thể được
phát miễn phí kèm điều kiện là khách hàng phải ký một hợp đồng cam kết
sử dụng dịch vụ trong khoảng thời gian nào đó.
|
Hình ảnh được cho là chiếc Tablet của Apple. |
Tuy nhiên, Dell và Intel hay thậm chí Apple chưa chắc đã là những kẻ
nhanh chân nhất. Chuyên gia phân tích Tero Kuittinen của hãng MKM
Partners còn cho biết, hàng loạt các hãng công nghệ khác cũng đang âm
thầm “mở hết tốc lực” để chạy đua trên mặt trận mới mẻ đến mức còn chưa
hình thành này. Đáng chú ý là đến cả những “chuyên gia” trong làng điện
thoại di động như Nokia hay HTC cũng góp mặt và một số nguồn tin cho
biết tablet của những hãng này sẽ có mặt trên thị trường vào cuối quý I
năm 2010.
Chưa hết, Fussion Garage – một hãng công nghệ không mấy tên tuổi của
Singapore cũng đã hợp tác với TechCrunch để tháng 11 năm nay cho ra đời
chiếc tablet đầu tiên của thế giới mang tên CrunchPad.
Cũng không phải tự nhiên mà hãng nghiên cứu thị trường Display Search
đã dự đoán doanh số của thị trường màn hình cảm ứng sẽ tăng gấp 3 lần
trong một vài năm tới từ 3,6 tỷ USD hiện nay lên trên 9 tỷ USD.
Tương lai của thế hệ các sản phẩm điện tử sử dụng công nghệ màn hình
cảm ứng còn được hỗ trợ bởi giá thành sản xuất của chi tiết này đang
ngày càng rẻ đi cũng như các phần mềm hỗ trợ cho nó ngày càng phong phú
hơn. Điều này thúc đẩy các hãng công nghệ phải tiếp tục nghiên cứu và
cho ra đời những công nghệ màn hình cảm ứng mới đáp ứng đủ cho nhu cầu
ngày càng lớn của thị trường.
Kể từ năm 2007 đến nay, Apple đã tiêu thụ được tới hơn 40 triệu sản
phẩm có màn hình cảm ứng đa điểm chạm như iPhone hay iPod Touch càng
khiến cho giới công nghệ “phát cuồng” và dường như tất cả đều đã hạ
quyết tâm sẽ không thể để Apple tiếp tục làm mưa làm gió trên thị
trường tablet cảm ứng.
“Ngôi sao mới” hay một “bờ ảo vọng”?
Những người lạc quan cho rằng năm 2010 sẽ là “Năm của Tablet” nhưng
những kẻ theo trường phái hoài nghi lại nhất định phản đối. Và những lý
lẽ phản đối của họ xem ra cũng không phải là không có lý.
Trước tiên, điểm hấp dẫn nhất của những chiếc tablet chính là một màn
hình cảm ứng lớn hơn hẳn màn hình 3 inch của iPhone. Nhưng đây cũng rất
có thể sẽ là “tử huyệt” của chúng. Trên những chiếc smartphone, màn
hình cảm ứng rất tuyệt nhưng nếu ở kích thước lớn hơn nữa, định luật về
sự suy giảm phản hồi bắt đầu có tác dụng.
Chính vì thế việc viết bằng tay lên một màn hình cảm ứng là điều vẫn
không thể nhưng nếu sử dụng bàn phím ảo? Đó sẽ là thảm họa cho tay, cổ
và vai của người dùng bởi họ sẽ phải liên tục nhìn xuống màn hình để
biết được mình đang “gõ” cái gì.
Thứ hai, table sẽ là một thiết bị tuyệt vời dành cho việc lướt web và
xem các chương trình media (nhạc, phim, video...) nhưng để trở thành
một công cụ làm việc thì dường như chúng chưa thể “đủ sức”. Nó quá lớn
để thay thế một chiếc smartphone và quá nhỏ để thay thế một chiếc
laptop.
Và đến lúc này, người dùng sẽ không thể tránh khỏi sự so sánh về giá.
Chiếc tablet của Apple dự tính có giá 700 đến 800 USD hay rẻ nhất là
chiếc CrunchPad cũng là 400 USD nhưng với những gì tabet có thể làm,
một chiếc netbook nhỏ gọn, giá rẻ bằng một nửa và có bàn phím thực có
thể làm tốt hơn nhiều.
Tương lai nào cho tablet? Đó là một sự bí ẩn chỉ có thời gian mới có thể trả lời.
|