Sau hơn 5 tháng đợi chờ từ bản SP2 beta, ngày
25/5/2009 Microsoft đã chính thức phát hành bản cập nhật SP2 cho
Windows Vista, hệ điều hành được nhiều người quan tâm, mặc dù số lượng
người thực sự sử dụng nó cho công việc hàng ngày (thay thế Windows XP)
không nhiều.
Bản cập nhật (1 file, 348,3Mb) Vista SP2 và Windows Server 2008 SP 2 có thể tải trực tiếp từ website của Microsoft (http://download.microsoft.com/download/E/7/7/E77CBA41-0B6B-4398-BBBFEE121EEC0535/Windows6.0-KB948465-X86.exe). Bộ cài trên đĩa DVD của Windows Vista SP2 RTM (Release To Manufacturing) cũng đã được đưa ra thị trường.
Bài viết này trình bày các bước tối ưu toàn diện và
cảm nhận về Windows Vista SP2 dựa trên kinh nghiệm của tác giả và một
số tài liệu trên mạng. Hy vọng nó sẽ mang lại nhiều điều bổ ích cho bạn
đọc.
Trước hết là kinh nghiệm của tác giả khi cập nhật
lên Windows Vista SP2 trực tiếp từ bản SP1 bằng cách cài đặt file
Update download từ địa chỉ website của Microsoft ở trên. Đầu tiên, phân
vùng (partition) chứa Windows Vista của bạn cần phải còn trống hơn 3 GB
thì mới có thể thực hiện cập nhật (Update). Tiếp đến, quá trình cập
nhật chạy tương đối lâu và không hiệu quả: hệ thống vẫn chậm, bộ nhớ
rác nhiều (thư mục chứa file nổi tiếng bí hiểm và chiếm dung lượng lớn
của Windows Vista là C:\Windows\winsxs lại tăng lên). Vì vậy theo tôi
bạn nên cài đặt trực tiếp Windows Vista SP2 từ đĩa DVD chứ không nên
dùng file Update.
Gỡ bỏ Vista trên hệ thống cài nhiều hệ điều hành
Để thực hiện quá trình cài đặt, bạn cần gỡ bỏ
Windows Vista cũ đang cài trên hệ thống đa HĐH của bạn (ở đây tôi giả
sử bạn cài 2 HĐH Windows XP SP3 và Vista SP1) còn nếu không bạn chỉ cần
chia phân vùng dành riêng cho Vista và bắt đầu quá trình cài đặt). Có
nhiều cách để gỡ bỏ Windows Vista khỏi hệ thống.
Cách 1: Rất đơn giản, ban đầu bạn
cần khởi động hệ thống không phải là bản Windows Vista bạn muốn gõ bỏ
(Windows XP chẳng hạn). Sau đó bạn chạy chương trình VistaBootPro (http://file.softsea.com/System_Utility/VistaBootPRO_320.zip)
để cài đặt VistaBootPro lên hệ thống. Tiếp đó chạy chương trình này,
tìm tới tab Manage OS Entries, chọn HĐH Windows Vista, nhấn vào Delete
như hình.
Tiếp đến bạn format ổ cứng chứa Windows Vista và thế là xong.
Cách 2: Cũng không quá phức tạp
Bạn khởi động hệ thống Windows XP, cho đĩa DVD chứa bộ cài Windows Vista vào ổ đĩa DVD. Vào mục Start->Run, gõ Cmd sau đó Enter. Trong cửa sổ lệnh hiện ra gõ lệnh theo cú pháp sau: [DVD_drive_letter]:\boot\bootsect.exe /nt52 ALL /force
Chẳng hạn nếu ổ DVD của bạn là ổ F: thì câu lệnh sẽ cụ thể như sau:
F:\boot\bootsect.exe /nt52 ALL /force
Lấy đĩa DVD ra khỏi ổ đĩa và khởi động lại, hệ thống
sẽ chỉ còn một HĐH Windows XP, bạn có thể format phân vùng chứa Windows
Vista.
Cách 3: Bạn cho đĩa cài Windows XP
vào ổ đĩa CD/DVD và khởi động từ đĩa này, sau đó chọn chế độ Recovery
Console. Chạy chương trình fixboot, chạy lệnh fixmbr để sửa lại
MasterBootRecord. Tiếp đến khởi đông lại hệ thống và format phân vùng
chứa Windows Vista.
Sau khi đã có một phân vùng riêng đủ lớn (tham khảo
phần "Một số chú ý khác"), để tiến hành cài đặt, bạn cho đĩa DVD vào ổ
đĩa và quá trình bắt đầu. Thực sự bản Windows Vista SP2 cũng có nhiều
cái xứng đáng với sự chờ đợi. Trước hết là thời gian cài đặt khá nhanh,
khoảng 35 phút từ đĩa DVD, quá trình cài đặt cũng đơn giản, gồm ít bước
hơn so với Windows XP.
Sau đó tôi chỉ mất 4 giờ để cài tất cả những thứ sau
(theo thứ tự): Vista Codec, Office 2007, Office 2007 SP2, Visual Studio
2008 (gần như toàn bộ), MSDN 9.0, SQL Server 2005 Dev Edition, Visual
Studio 2008 SP1. Nếu như trước kia có nhanh cũng phải mất khoảng gần 1
ngày để cài hết số phần mềm này.
Mới cài đặt xong, Vista SP2 chiếm khoảng 9 GB, trong
đó 1 GB là cho file Hibernate, 1,28 GB dành cho Pagefile của hệ thống,
riêng thư mục nổi tiếng Winsxs chiếm tới 4,12 GB (chẳng hiểu để làm
gì?), trong đó thư mục con Backup có 1979 file chiếm 365 MB. Cảm nhận
đầu tiên là SP2 khá nhanh, ngang ngửa với XP SP3, đặc biệt đối với các
thư mục có nhiều file (khoảng hơn 600 file) thì truy cập nhanh hơn
nhiều so với Vista SP1. Các ứng dụng như Word 2007, IE7 nhanh hơn so
với XP SP3. Và quả thật đã có nhiều cải tiến khi kiểm tra với Task
Manager cho thấy hệ thống mặc dù chạy nhiều nhưng chỉ chiếm 390 MB RAM,
nếu không có ứng dụng nào chạy có thể giảm xuống 350 MB.
Đây thực sự là một cải tiến đáng kể vì các phiên bản
trước, tối thiểu khi chạy Vista cũng dùng tới hơn 500 MB RAM, thậm chí
trên một số hệ thống, bản Home Edition chiếm tới gần 900 MB RAM. Quá
trình tắt và khởi động diễn ra khá nhanh, mặc dù chưa tiến hành tối ưu
gì nhưng khởi động chỉ cần 4 lần chạy thanh "progress bar" của Windows
Vista.
Trước khi tiến hành các bước tối ưu hóa tiếp theo
tôi muốn các bạn chú ý một số điều sau: Một là đối với các dịch vụ và
các bước đưa ra ở đây, tôi không đưa ra các chỉ dẫn chi tiết kiểu như
dịch vụ ấy có chức năng gì (nếu không có các chú ý đặc biệt), cụ thể
như thế nào vì công việc đó đòi hỏi một tài liệu dài hơn và nằm ngoài
phạm vi của bài viết này (các bạn có xem chi tiết hơn trong phần tài
liệu tham khảo). Hai là việc tối ưu hóa Windows Vista hay các HĐH chỉ
dựa trên 1 nguyên tắc duy nhất: hệ thống sẽ nhanh hơn nếu nó không phải
tiêu tốn thời gian cho những chương trình không cần thiết, do đó để tối
ưu hệ thống chúng ta sẽ cố gắng tắt đi càng nhiều các chương trình
không cần thiết càng tốt, các chương trình đó là: các dịch vụ, các
chương trình startup, các hiệu ứng đồ họa, các driver, các DLL (sử dụng
chương trình Autoruns).
Tối ưu các dịch vụ của Vista
Sau khi cài đặt tất cả các thứ trên, hệ thống có 140
dịch vụ. Để tiến hành tối ưu hóa, chúng ta cần tắt hoặc thay thiết lập
một số dịch vụ (xem "danh sách dịch vụ cần quan tâm").
Để cấu hình các dịch vụ bạn vào Start->Run, gõ lệnh services.msc, tiếp đến trong cửa sổ hiện ra, nhấn chuột phải lên tên của dịch vụ muốn thay đổi cấu hình, chọn Properties, thay đổi cách thức mà dịch vụ chạy trong mục Startup type.
Ở đây có 4 lựa chọn, Automatic (Delayed Start) nghĩa là tự động chạy
nhưng sau khi Windows khởi động xong một khoảng thời gian để tăng tốc
quá trình khởi động của hệ thống, Automatic nghĩa là khởi động cùng với
hệ thống, Manual nghĩa là sẽ chỉ chạy khi một người dùng, một chương
trình hoặc 1 dịch vụ nào khác ra lệnh, Disable là không thể chạy được.
Bạn cũng có thể nhấn chuột lên các nút lệnh Start, Stop để chạy và tắt
một dịch vụ nào đó.
Và bạn có tin không, sau khi thực hiện cấu hình các
dịch vụ trên xong, hệ thống chỉ còn khởi động với hơn 2 lần chạy
progress bar. Bộ nhớ hệ thống dùng cũng ít hơn.
Tuy nhiên sau khi cài xong IIS 6 thì hệ thống khởi
động chậm hẳn đi, không hiểu vì sao. Mặc dù vậy sau khi khởi động, hệ
thống vẫn nhanh hơn Windows XP SP3 khi chạy các ứng dụng .NET, Office
2007, Visual Studio 2008, IE và Windows Explorer.
Trên thực tế bạn chỉ cần tới khoảng 20 dịch vụ của
Windows để có thể: vào mạng, in ấn, chia sẻ file, thực hiện các công
việc thông thường khác (soạn thảo văn bản, nghe nhạc ...) (đối với
Windows XP thì con số dịch vụ cần thiết cho các tác vụ cơ bản là 8).
Còn nếu bạn chạy trên máy để bàn thì bộ nhớ sau khi hệ thống khởi động
có thể nhỏ hơn con số hơn 300 MB tôi đưa ra ở trên.
Để tự động hóa thao tác cấu hình các dịch vụ trên,
tôi đã viết một ứng dụng Win32 nhỏ (có thể tải về từ website TGVT
Online) cho phép các bạn tự động thiết lập cấu hình các dịch vụ như
trên. Chương trình có giao diện như sau:
Các lựa chọn tương ứng với các checkbox, còn lại các dịch vụ khác sẽ được thiết lập như đã trình bày. Trước khi nhấn nút Apply config các bạn nên nhấn nút Save current config
để lưu lại cấu hình cac dịch vụ hiện tại của hệ thống. Sau khi nhấn
Apply config, chương trình sẽ tự động thiết lập cấu hình cho các dịch
vụ và yêu cầu khởi động lại Windows.
Bỏ các tính năng Remote Assistance và Remote Desktop
Nhấn chuột phải lên biểu tượng My Computer, chọn Properties, nhấn vào tab Remote, bỏ chọn mục Remote Assistance và đánh dấu chọn mục Dont allow connections to this computer như hình.
Tắt tính năng UAC của Vista
Đây là một tính năng rất thú vị nếu xét trên khía
cạnh bảo mật, tuy nhiên nó được xem là một trong những tính năng phiền
toái nhất trên Windows và lựa chọn của đa số người dùng là tắt nó đi.
Cách 1: Vào Control Panel, chọn mục User Accounts, sau đó nhấn lên mục Turn User Account Control on or off. Hệ thống sẽ yêu cầu bạn khởi động lại để thiết lập được thay đổi.
Cách 2: Vào msconfig, chọn tab Tools, tìm tới mục Disable UAP và nhấn vào Launch. Khởi động lại và UAC sẽ không quấy nhiễu bạn nữa.
Cách 3: Sử dụng regedit, tìm tới
mục
"HKEY_LOCAL_MACHINE\Software\Microsoft\Windows\CurrentVersion\Policies\System",
thay đổi giá trị của khóa EnableLUA DWORD, thiết lập giá trị 0 cho khóa
này và khởi động lại.
Tắt tính năng Index ổ cứng
Sau
khi cài đặt, Windows Vista sẽ để chế độ Index đối với ổ C: (mặc định
chứa Windows Vista) để tăng tốc độ tìm kiếm các file trên ổ đĩa logic
này. Tuy nhiên tính năng này không thực sự cần thiết, tiêu tốn tài
nguyên của hệ thống và nên tắt. Để tắt tính năng Index, bạn chọn
Properties của partition C: sau đó bỏ chọn Index this drive for faster
searching.
Sử dụng hiệu quả ổ cứng
Không như các phiên bản Windows XP trước đây,
Windows Vista SP2 đã tận dụng khả năng truy cập trực tiếp DMA của ổ
cứng để tăng tốc độ đọc/ghi, tuy nhiên vẫn cần phải điều chỉnh để
Windows triệt để tận dụng khả năng của ổ đĩa cứng.
Bạn vào mục Device Manager (nhấn chuột phải vào My
Computer, chọn Manage, sau đó chọn mục Device Manager), tìm tới mục
Disk drivers trong cửa sổ Device Manager bên trái, nhấn chuột phải lên
dòng ghi tên ổ đĩa cứng của bạn và chọn Properties, tiếp đến tìm tới
tab Policies trong hộp thoại hiện ra, đánh dấu chọn Enable advanced
performance như hình sau:
Tăng hiệu năng hệ thống bằng cách bỏ các hiệu ứng đồ họa
Vẫn trong hộp thoại System Properties, bạn sang tab Advanced, mục Performance, điều chỉnh hiển thị của Windows để hệ thống chạy nhanh hơn bằng cách nhấn chuột lên nút Settings của mục Performance sau đó chọn Customs và bỏ một số hiệu ứng đồ họa trên giao diện của Windows như sau:
Chia sẻ file trong Vista
Đầu tiên cần phải chắc chắn rằng các dịch vụ Server và Workstation đang chạy (tham khảo phần cấu hình dịch vụ).
Để chia sẻ file trong Windows Vista một cách đơn giản, ta vào mục Control Panel, chọn Network and Sharing Center, chọn mục Public folder sharing, chọn mục Turn on... để cho phép chia sẻ thư mục theo các chế độ chỉ đọc hoặc cho phép ghi file. Tiếp đến vào mục Password Protected Sharing, chọn Turn Off như hình.
Bây giờ thì các máy trạm cài Windows XP/Vista khác
có thể vào thư mục chia sẻ trên máy bạn một cách bình thường như trên
các hệ thống cài Windows XP.
Để thực hiện chia sẻ bạn nhấn chuột phải lên thư mục, chọn Share, nhấn tiếp lên button Advanced Sharing và bắt đầu chia sẻ thư mục.
Như đã trình bày ở phần tối ưu hóa các dịch vụ của
Windows Vista, các dịch vụ Server và Workstation được cấu hình là
manual vì thực chất không phải lúc nào bạn cũng chia sẻ file với ai đó.
Vì vậy để chia sẻ file một cách linh hoạt bạn có thể tạo file
startshare.bat và stopshare.bat (sau khi đã cấu hình như trên) có nội
dung như sau:
File startshare.bat: net start Server net start Workstation File stophare.bat: net stop Server net stop Workstation
Đặt hai file này vào thư mục C:\Windows (hoặc bất cứ
thư mục nào mà đường dẫn tới nó nằm trong biến môi trường của Windows).
Khi nào bạn muốn chia sẻ thì vào Start->Run và gõ lệnh startshare, sau khi chia sẻ xong bạn gõ lệnh stopshare. Hệ thống cũng sẽ tự động thiết lập chế độ không chia sẻ khi bạn khởi động lại.
Để bỏ biểu tượng kết nối mạng (Network Connection Icon) trên Windows Vista, kích chuột phải vào thanh Task bar, chọn Properties, sau đó tìm tới tab Notification Area và bỏ chọn checkbox Network như hình.
Hibernate của Vista
Không giống như đối với Windows XP, trong Windows
Vista để bỏ chế độ Hibernate bạn cần chạy chương trình Disk Cleanup
(Start->Programs->Accessories->System Tools->Disk Cleanup).
Tiếp đến bỏ đánh dấu chọn mục Hibernation File Cleaner như hình.
Nhấn vào OK để bắt đầu quá trình xóa các file, khi đó file hiberfil.sys cũng được xóa khỏi hệ thống và chế độ Hibernate cũng mất.
Một cách đơn giản khác là bạn vào Start->Run gõ cmd sau đó Enter. Trong cửa sổ lệnh hiện ra bạn gõ lệnh powercfg –h off.
Để mở lại chức năng Hibernate, bạn làm tương tự nhưng với lệnh powercfg –h on.
Thực ra đối với Windows Vista, chế độ Hibernate khá chậm nên chúng ta cũng không cần sử dụng tính năng này.
Tắt chế độ System Restore
Một tính năng mà theo tôi không cần thiết lắm đối
với Windows là System Restore, nếu bạn không hiểu nhiều về máy tính thì
bạn sẽ không bao giờ dùng tới tính năng này, còn nếu bạn là chuyên gia
về máy tính thì có lẽ bạn sẽ thích dùng Ghost hơn (để sao lưu hệ thống).
Để tắt chức năng này bạn kích chuột phải lên biểu tượng My Computer, chọn Properties, tiếp đó nhấn lên mục System Protection, trong hộp thoại hiện ra, bỏ chọn tất cả các partition như hình.
Gỡ bỏ các chương trình không cần thiết của Windows
Cũng như các phiên bản trước, Windows Vista SP2 đi
kèm với nhiều chương trình mà tôi chắc rằng đa số người dùng sẽ chẳng
mấy khi dùng đến, vậy hãy bỏ đi cho hệ thống thêm nhanh.
Bạn vào Control Panel, chọn Programs and Features, nhấn lên mục Turn Windows features on or off. Trong hộp thoại hiện ra bạn bỏ chọn các mục sau:
- Indexing service
- Remote Differential Compression
- Tablet PC Optional Components
- Windows Fax and Scan (nếu bạn không dùng máy Fax hoặc Scan).
- Windows Meeting Space
- Games (nếu bạn không chơi các game của Windows)
IP tĩnh hay động
Điều này tùy thuộc vào môi trường mạng mà bạn đang
sử dụng, nhưng theo tôi hãy cố gắng sử dụng IP tĩnh nếu bạn có thể, vì
nó sẽ tiết kiệm tài nguyên hơn cho hệ thống.
Nếu bạn sử dụng IP động, thì các dịch vụ sau cần thiết lập là Automatic:
- DHCP Client
- Network List Service
- Network Location Awareness
Còn nếu bạn đặt IP tĩnh thì các dịch vụ trên sẽ chỉ
cần thiết lập là manual, chúng sẽ không chạy tự động khi hệ thống khởi
động. Khi thay đổi IP của hệ thống, bạn cần chạy dịch vụ DHCP client,
sau đó có thể stop dịch vụ này, để hệ thống có thể nhận IP mới và hoạt
động bình thường mà không cần khởi động lại.
Dọn dẹp ổ cứng
Đối với một hệ thống bình thường bạn có thể dọn dẹp
ổ cứng bằng cách xóa các file trong thư mục tạm (temp) của hệ thống (hệ
điều hành), thư mục tạm của IE, thư mục tạm của Firefox, chúng nằm ở
các thư mục sau:
- C:\Users\\AppData\Local\Temp
- C:\Users\\AppData\Local\Mozilla\Firefox\Profiles
- C:\Users\\AppData\Local\Microsoft\Windows\Temporary Internet Files
Nếu cài đặt SQL Server 2005, bạn có thể xóa các file trong thư mục C:\Program Files\Microsoft SQL Server\90\Setup Bootstrap\LOG\Files, ít nhất cũng thu hồi được vài chục MB.
Nếu bạn cài đặt Visual Studio 2005/2008, bạn có thể
xóa các file trong thư mục C:\Program Files\Microsoft Visual Studio
9.0\Microsoft Visual Studio Team System 2008 Team Suite - ENU\Logs và
một lần nữa bạn sẽ thu hồi được tối thiểu mấy chục MB. Sau đó bạn có
thể xóa các file trong thư mục
C:\Windows\Installer\$PatchCache$\Managed lần này bạn có thể thu hồi từ
vài trăm MB tới hơn 1 GB.
Nếu bạn cài đặt Office 2007 thì thư mục Cache của Office cũng không cần thiết và bạn có thể xóa để thu hồi vài trăm MB.
Autoruns – bạn sẽ thấy những gì trước đây chưa thấy
Được viết bởi những chuyên gia hàng đầu về hệ điều
hành Windows (Mark Russinovich – đồng tác giả cuốn sách nổi tiếng
"Microsoft Windows Internals, Fourth Edition: Microsoft Windows Server
2003, Windows XP, and Windows 2000" và Bryce Cogswell), Autoruns là
phần mềm cho phép người sử dụng Windows biết những gì đang nạp vào hệ
thống của họ vào bất cứ thời điểm nào: các chương trình, các dịch vụ,
các thư viện DLL, các Driver, các chương trình Malware, Adware, Virus
và Rootkit. Autoruns là công cụ hữu hiệu nếu bạn muốn phát hiện hệ
thống của mình đang chạy những gì, có bị nhiễm virus hay không và cho
phép loại bỏ các thành phần không cần thiết (không nạp vào hệ thống lúc
khởi động – một số DLL và driver không cần thiết). Tuy nhiên cũng cần
phải cẩn thận khi sử dụng, vì đôi khi chỉ vì loại bỏ 1 DLL mà máy của
bạn sẽ không khởi động được, hoặc khởi động được nhưng bàn phím không
dùng được.
Địa chỉ tải: http://download.sysinternals.com/Files/Autoruns.zip
Có thể xem thêm chi tiết tại: http://technet.microsoft.com/en-us/sysinternals/bb963902.aspx
Trong phần này tôi chỉ giới thiệu cách sử dụng
Autoruns để loại bỏ các chương trình chạy Startup trên Windows. Khi
chạy Autoruns sẽ có giao diện như hình.
Các bạn có thể bỏ chọn
các mục Run như trong hình minh họa để loại bỏ tạm thời các chương
trình Startup, các bạn có thể xóa chúng, nhưng nếu xóa thì sẽ không thể
khôi phục lại được. Về các driver, DLL thì tương đối phức tạp, ví dụ
nếu bạn không dùng Bluetooth bạn có thể bỏ chọn các mục có chữ
Bluetooth, hoặc nếu bạn không sử dụng ổ đĩa SCSI thì bạn có thể bỏ các
driver, DLL liên quan. Các mục mà bạn có thể xem xét nữa là Windows
Defender, Windows Firewall, SideBar.
Một lần nữa tôi xin lưu ý là các bạn cần thận trọng
khi sử dụng chương trình này để bỏ đi các DLL, driver không dùng. Hãy
kiểm tra bằng cách tìm trên Google trước khi bỏ chúng.
Một số chú ý khác
Nên cài Windows Vista như thế nào? Theo tôi bạn nên
chọn chế độ dualboot, nghĩa là cả Windows XP và Windows Vista. Cài
Windows XP trước (nên cài bản SP3), sau đó cài Windows Vista lên một
partition khác. Bạn cũng có thể cài chung cả hai hệ điều hành trên 1
partition, nhưng theo tôi bạn không nên làm thế.
Để thực hiện chia ổ đĩa bạn có thể sử dụng chương
trình "Acronis Disk Director Suite" có sẵn trên đĩa Hirens Boot 9.8,
đây là chương trình chia ổ đĩa nhanh nhất và tiện lợi nhất (đặc biệt
đối với các ổ đĩa có dữ liệu) mà tôi biết.
Về dung lượng, nếu không có vấn đề gì thì bạn nên
chia tối thiểu 2 partition 25 GB, tất nhiên bạn có thể dùng partition
có kích thước nhỏ hơn, khoảng 18 GB, nếu như không cài các công cụ lập
trình như VS 2008, SQL Server 2008 hoặc không cài các phần mềm có dung
lượng lớn khác.
Nếu bạn cắm một máy ảnh số hoặc máy quét (scanner)
vào hệ thống thì cần đảm bảo là dịch vụ "Windows Image Acquisition
(WIA)" đã chạy (Start).
Dịch vụ "Print Spooler" cần phải chạy khi bạn thực
hiện in ấn hoặc xem trước bản in đối với Excel, PowerPoint (trong Word
thì không cần). Nhưng nếu bạn ít khi thực hiện tác vụ này, bạn có thể
thiết lập dịch vụ là manual và giống như trong phần chia sẻ file, bạn
sẽ có 2 file startprint.bat và stopprint.bat để bật và tắt dịch vụ này.
Nếu bạn cập nhật một phần mềm nào đó của Microsoft
(IE, Office, Visual Studio ...) trực tiếp qua mạng thì bạn cần chạy các
dịch vụ: Background Intelligent Transfer Service, Cryptographic
Services, Windows Update.
Đối với Windows Vista SP1 bạn sẽ không thể vào được
Control Panel để thực hiện các tác vụ khi dịch vụ "Software Licensing"
không chạy (disable), nhưng trên Windows Vista SP2 thì mọi chuyện vẫn
bình thường. Tuy nhiên theo tôi, để an toàn chúng ta vẫn nên để dịch vụ
này là Automatic.
Đa số các thao tác tối ưu hệ thống đã được trình bày
trong bài viết này có thể áp dụng cho các hệ thống khác như Windows XP
(SP1-SP3), Windows Vista SP1.
Kết luận
Mặc dù không phải là hoàn hảo nhưng Windows Vista
SP2 thực sự đã nhanh hơn và có thể thay thế cho Windows XP SP3. Có thể
một số bạn cho rằng nên đợi để sử dụng Windows 7 thay vì dùng Vista
SP2, nhưng theo một số chuyên gia thì Windows 7 chỉ là Windows Vista
với những gì đã được tối ưu hơn để hoạt động nhanh hơn.
Cũng xin được nói qua về cấu hình máy tính mà tôi đã
sử dụng trong quá trình cài đặt ở trên: MTXT Sony Vaio B100B, CPU
Centrino (1 Core) 1,5GHz, 2MB Cache L2, RAM 1 GB, HDD Samsung 120 GB
tốc độ 5400 rpm. Cấu hình này tại thời điểm hiện nay có lẽ là rất bình
thường, nếu không nói là yếu, nhưng Windows Vista SP2 vẫn chạy với tốc
độ chấp nhận được.
Vậy thì các bạn còn chờ gì nữa, "lets start Vista SP2".
Mặc dù tôi đã hết sức thận trọng và xem xét kỹ các
thông tin đưa ra trong bài viết, tuy vậy vẫn có thể không tránh khỏi
các sai sót, rất mong nhận được sự đóng góp chân thành của bạn đọc. Mọi
góp ý, thắc mắc xin gửi về địa chỉ email: tuannhtn@yahoo.com.
Danh sách dịch vụ cần quan tâm: 1. Windows Update (disable) 2. Windows Time (disable) 3. Windows Search (manual) 4. Windows Backup (disable) 5. Windows Media Center Extender Service (disable) 6. Windows Media Center Service Launcher (disable) 7. WLAN AutoConfig (manual) – sẽ cần để Automatic nếu bạn sử dụng mạng Wireless thường xuyên. 8. Workstation (manual) 9. Windows Firewall (disable) 10. Windows Error Reporting Service (disable) 11. Windows Defender (disable) 12. WebClient (disable) 13. TCP/IP NetBIOS Helper (disable) 14. Tablet PC Input Service (disable) 15. Terminal Services (disable) 16. Terminal Services Configuration (disable) 17. Terminal Services User Mode Port Redirector (disable) 18. Smart Card (disable) 19. Smart Card Removal Policy (disable) 20. System Event Notification Service (manual) 21. SSDP Discovery (disable) 22. SQL Server Integration Services (manual) 23. SQL Server (MSSQLSERVER) (manual) 24. SQL Server FullText Search (MSSQLSERVER) (manual) 25. Security Center (disable) 26. ReadyBoost (manual) 27. Remote Registry (disable) 28. Routing and Remote Access (disable) 29. Parental Controls (disable) 30. Peer Name Resolution Protocol (disable) 31. Peer Networking Grouping (disable) 32. Peer Networking Identity Manager (disable) 33. Program Compatibility Assistant Service (disable) 34. Print Spooler (manual) – nếu bạn dùng máy in thì cần để Automatic 35. Portable Device Enumerator Service (manual) 36. Microsoft .NET Framework NGEN v2.0.50727_X86 (manual) 37. Microsoft iSCSI Initiator Service (disable) 38. Microsoft Office Diagnostics Service (disable), nếu không cài Office 2007 sẽ không có. 39. KtmRm for Distributed Transaction Coordinator (manual) 40. Internet Connection Sharing (ICS) (disable) 41. IPsec Policy Agent (disable) 42. IP Helper (disable) 43. IKE and AuthIP IPsec Keying Modules (manual) 44. Function Discovery Provider Host (disable) 45. DNS Client (disable) 46. Distributed Link Tracking Client (manual) 47. Computer Browser (manual) 48. DHCP Client (manual) – xem thêm phần IP tĩnh hay động 49. Base Filtering Engine (disable) 50. Background Intelligent Transfer Service (disable) 51. COM+ Event System (disable) 52. Cryptographic Services (manual) 53. Desktop Window Manager Session Manager (disable) 54. Diagnostic Policy Service (disable) 55. Diagnostic Service Host (disable) 56. Diagnostic System Host (disable) 57. Network List Service (disable) 58. Network Location Awareness (disable) 59. Offline Files (disable) 60. Office Source Engine (disable) 61. Secondary Logon (manual) 62. Server (manual) 63. Shell Hardware Detection (disable)
|