Gần đây, cộng đồng mạng ầm ĩ vì nhiều vụ
lừa đảo khi mua bán hàng hóa. Hầu hết các gian hàng trực tuyến của giới
trẻ hiện nay đều đang áp dụng hình thức chuyển khoản - gửi hàng theo
kiểu "tin nhau là chính" và đầy rủi ro.
Hồi
tháng 5, cư dân mạng xôn xao vì vụ sinh viên Thạch Sĩ Châu lừa đảo cả
trăm người qua mạng chỉ bằng một chiêu thức đơn giản. Châu lập trang
web camerajapan123.110mp.com quảng cáo bán máy ảnh, dụ dỗ
người mua trả trước 20% giá trị sản phẩm vào tài khoản đứng tên giả.
Sau khi chuyển khoản thành công, Châu ung dung đi rút tiền và người mua
chờ hàng trong "vô vọng". Số nạn nhân lên tới 100 người, tổng thiệt hại
hơn 300 triệu đồng. Vụ việc đang được điều tra và truy tố.
Vào đầu tháng 7, diễn đàn muare.vn cũng ầm ĩ với vụ lừa đảo của hai chị em dùng chung nick Giunlun. Do tin tưởng hai chị em, vốn đã tạo được uy tín nhất định trên diễn đàn, thành viên vanilaheart đã đặt mua qua mạng 2 chiếc túi Marc Jacobs với giá 1.640 USD. Người bán đảm bảo bằng miệng rằng túi hàng xịn và mới 100%.
Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền và nhận hàng, người mua mới ngã ngửa ra
khi thấy túi xách hàng dởm và cũ nát. Việc lấy lại tiền hoàn toàn không
phải dễ dàng. Chỉ những ai thực sự "rắn" như vanilaheart, có được sự ủng hộ lớn của cộng đồng mạng, mới có cơ may tránh tổn thất.
Nhiều diễn đàn từng cảnh báo thành viên về chiêu thức lừa đảo này nhưng
không ít thành viên vẫn mất tiền oan sau khi lập gian hàng ảo hoặc rao
bán sản phẩm trên mạng. Thủ phạm yêu cầu khách hàng chuyển khoản trước
một phần hoặc toàn bộ số tiền trước khi chuyển hàng. Sau khi tiền đến
tay, thủ phạm lập tức đành bài chuồn.
Hình thức thanh toán thủ công và gửi tiền dựa vào yếu tố "tin nhau là
chính" hiện rất phổ biến tại các trang web mua bán nổi tiếng như
muare.vn, enbac.com, raovat123.com, rongbay.com... Tại nhiều gian hàng,
người ta dễ dàng bắt gặp những lời rao có chú thích: "Phương
thức thanh toán: Chuyển khoản 100%. Sau khi chuyển khoản, alo cho tớ để
báo tên và số tài khoản nhé. Tớ sẽ chuyển hàng ngay sau khi nhận được
tiền".
Kể cả người bán cũng có thể mất tiền oan khi gặp phải khách ảo xấu
chơi. Thu Thủy, chủ shop Minumax bán quần áo, dù dạn dày kinh nghiệm
trên thị trường online nhưng cũng có ngày gặp "ma". Cách đây không lâu,
một thành viên trên mạng mang tên An đặt mua quần áo của cô.
Với lý do đang cần hàng gấp, người mua liên tục giục giã Thu Thủy ship
(gửi) hàng và cam kết đã chuyển khoản rồi nhưng do khác ngân hàng nên
tiền vẫn chưa đến nơi. Nể khách quen, Thu Thủy chuyển quần áo trị giá
120.000 đồng nhưng nhanh chóng nhận ra mình bị lừa khi mấy ngày mà tiền
vẫn không vào tài khoản. Cư dân mạng phát hiện ra bằng thủ đoạn tương
tự, An đã lừa hàng chục người khác, với tổng thiệt hại không phải là
nhỏ.
Những nạn nhân chỉ mất từ vài trăm đến trên dưới 1.000.000 đồng thường
tặc lưỡi cho qua, xem như đây là bài học xương máu. Do đó, những kẻ lừa
đảo qua mạng có đất lộng hành thêm một thời gian trước khi bị phanh
phui. Kể cả khi lộ mặt, thế giới mạng cho phép họ lập gian hàng online
mới, với cái tên ảo khác để tiếp tục lộng hành.
Thậm chí những thủ phạm như Thạch Sĩ Châu, vẫn đường hoàng dùng một cái
tên đi lừa đảo từ 2007 mà vẫn không bị ai tố giác cho đến tận tháng
5/2009, khi gặp phải một khách hàng "rắn".
Ông Trần Hữu Linh, đại diện của Vụ Thương mại Điện tử, Bộ Công thương,
cho rằng khách hàng và cả người bán trên mạng nên có nhận thức để tự
bảo vệ mình khi mua bán theo hình thức thỏa thuận miệng. Do phương thức
thanh toán tiền và chuyển hàng không được đăng ký nên cơ quan chức năng
khó xử lý khi có tranh chấp xảy ra.
Còn thành viên gaique88 của diễn đàn muare chia sẻ: "Những
người nào gặp phải kẻ buôn bán gian lận thì nên lập topic thông báo cho
mọi người biết còn tránh. Nếu bỏ qua thì họ sẽ càng được đà lấn tới và
sẽ đi lừa thêm biết bao nhiêu người".
|