Kiểu mạng đơn giản nhất chính là kiểu mạng chỉ gồm
có đúng hai máy tính. Bạn có thể sử dụng kiểu mạng này để chia sẻ các
file, máy in hoặc thiết bị ngoại vi khác, hay thậm chí cả kết nối
Internet. Để kết nối hai máy tính với nhau nhằm chia sẻ những thứ như
vậy và tài nguyên mạng khác, bạn cần biết các phương pháp kết nối dưới
đây.
Kết nối hai máy tính trực tiếp bằng cáp
Phương pháp truyền thống để kết nối hai máy tính với
nhau là sử dụng một liên kết chuyên dụng bằng cách cắm một cáp vào cả
hai hệ thống. Một số cách thực hiện để kết nối hai máy tính như vậy
được liệt kê dưới đây:
- Cáp Ethernet đấu chéo (crossover)
- Cáp nối tiếp hoặc song song
- Cáp USB đặc biệt
Ethernet - phương pháp Ethernet
được ưa thích vì nó hỗ trợ kết nối tốc độ cao, tin cậy và cấu hình cũng
đơn giản. Thêm vào đó, công nghệ Ethernet còn cung cấp giải pháp đa
năng nhất, cho phép bạn có thể nâng cấp lên một mạng có nhiều máy tính
hơn từ các mạng có hai máy tính khá dễ dàng sau đó. Nếu một trong các
máy tính của bạn sử dụng Ethernet adapter nhưng các máy tính còn lại
lại sử dụng USB, khi đó cáp Ethernet đấu chéo vẫn có thể được sử dụng
bằng cách cắm khối chuyển đổi USB-to-Ethernet vào cổng USB của máy tính.
Nối tiếp và song song – Kiểu cáp này được gọi là Direct Cable Connection (DCC)
– kết nối cáp trực tiếp – khi sử dụng Microsoft Windows, kiểu cáp này
cho mức hiệu suất thấp hơn nhưng vẫn có các chức năng cơ bản như kiểu
kết nối bằng cáp Ethernet. Bạn cũng có thể chọn cách này nếu có nhiều
cáp có sẵn và tốc độ mạng của bạn không thành vấn đề. Các cáp nối tiếp
vào song song không bao giờ được sử dụng để kết nối các mạng có nhiều
hơn hai máy tính.
USB – Cáp USB thông thường không
được sử dụng để kết nối hai máy tính trực tiếp với nhau. Việc cố gắng
thực hiện có thể làm hỏng các máy tính! Mặc dù vậy các cáp USB được
thiết kế chuyên dụng cho kết nối trực tiếp có thể được sử dụng cho mục
đích này. Bạn có thể chọn cách kết nối này nếu các máy tính của mình
thiếu các adapter mạng Ethernet.
Để tạo các cáp chuyên dụng bằng cáp Ethernet, USB, nối tiếp hoặc song song, yêu cầu:
- mỗi máy tính đều phải có giao diện mạng với một giắc cắm ngoài để cắm cáp và
- các thiết lập mạng trên mỗi máy tính được cấu hình thích hợp
Lưu ý: Đường dây điện thoại và dây nguồn không thể được sử dụng để kết nối trực tiếp hai máy tính với nhau.
Kết nối hai máy tính bằng cáp thông qua cơ sở hạ tầng trung tâm
Thay cho việc kết nối cáp trực tiếp giữa hai máy
tính, các máy tính có thể được “join” gián tiếp thông qua một thiết bị
mạng trung tâm. Phương pháp này yêu cầu hai cáp mạng, mỗi một cáp được
dùng để kết nối giữa máy tính với thiết bị trung tâm. Một vài kiểu
thiết bị trung tâm có thể được sử dụng cho kết nối mạng kiểu này là:
- Ethernet hub, switch và router
- USB hub
- Các đầu ra của đường điện nguồn và đường điện thoại.
Việc thực thi phương pháp này thường cần thêm chi
phí cho việc mua thêm cáp và cơ sở hạ tầng mạng. Tuy nhiên bạn có thể
chọn phương pháp này nếu muốn mở rộng mạng của mình trong tương lai.
Hầu hết các mạng chạy cáp đều sử dụng công nghệ
Ethernet. Tuy còn có một số cách khác đó là các USB hub hay sử dụng các
mạng gia đình quan đường điện nguồn và điện thoại cũng có thể được sử
dụng thay cho. Mặc dù vậy các giải pháp Ethernet truyền thống thường
cho độ tin cậy và hiệu suất cao hơn.
Kết nối không dây hai máy tính
Những năm gần đây, giải pháp kết nối mạng không dây
thường được sử dụng ngày một phổ biến trong các kết nối mạng. Cũng như
các giải pháp chạy cáp, cũng có một số công nghệ không dây hỗ trợ cho
việc kết nối mạng hai máy tính:
Các kết nối Wi-Fi có thể vươn tới khoảng cách xa hơn
so với các kết nối không dây khác được liệt kê bên dưới. Nhiều máy tính
mới, đặc biệt là các laptop hiện đều có khả năng kết nối Wi-Fi. Wi-Fi
có thể được sử dụng có hoặc không có thiết bị mạng tập trung. Với mạng
hai máy tính, kết nối mạng Wi-Fi sẽ không cần đến thiết bị tập trung
(chế độ sử dụng để kết nối là ad-hoc mode) được thiết lập rất đơn giản.
Công nghệ Bluetooth hỗ trợ các kết nối không dây tốc
độ cao giữa hai máy tính mà không cần đến một thiết bị mạng tập trung.
Bluetooth thường được sử dụng khi kết nối một máy tính với một thiết bị
cầm tay như điện thoại di động. Hầu hết các desktop và các máy tính cũ
đều không có chức năng Bluetooth. Bluetooth làm việc tốt nhất nếu cả
hai thiết bị đều được đặt trong cùng phòng với một khoảng cách gần
nhau. Có thể chọn giải pháp Bluetooth nếu bạn quan tâm đến việc kết nối
với các thiết bị cầm tay và các máy tính của bạn thiếu chức năng Wi-Fi.
Kết nối hồng ngoại đã tồn tại trên các laptop nhiều
năm trước khi công nghệ Wi-Fi và Bluetooth trở nên phổ biến. Các kết
nối hồng ngoại chỉ làm việc giữa hai máy tính, không yêu cầu đến thiết
bị tập trung và cũng có tốc độ khá nhanh. Quá trình thiết lập kết nối
rất đơn giản, bạn có thể chọn giải pháp này nếu các máy tính của bạn hỗ
trợ nó và bạn không cần nỗ lực để sử dụng kết nối Wi-Fi hay Bluetooth.
Nếu tìm thấy một kiểu công nghệ không dây khác có tên HomeRF,
bạn có thể bỏ qua nó vì công nghệ này đã trở thành lỗi thời cách đây
vài năm và không thích hợp với việc kết nối mạng gia đình.
|