Nếu bạn là một blogger sử dụng WordPress, bài
viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những plug-in miễn phí hỗ trợ mạnh mẽ,
giúp bạn xây dựng được trang blog hoàn thiện.
Trong thời buổi bùng nổ blog hiện nay, bất cứ ai
cũng có thể xuất bản một trang tin của riêng mình. Tuy nhiên để trở nên
nổi bật, một trang blog cần có nhiều yếu tố khác ngoài sức hấp dẫn về
mặt nội dung. Trang tin được thiết kế tốt cần có bố cục trình bày hợp
lý, cung cấp đầy đủ các công cụ cần thiết để tác giả cũng như độc giả
có thể đăng bài, tìm kiếm và chia sẻ thông tin dễ dàng.
Bộ quản trị nội dung (Content management system - CMS) là phương tiện để quản lý dữ liệu và các công cụ, trong đó WordPress
là một trong những CMS phổ biến nhất. Một nguyên do lý giải cho sự phổ
biến của WordPress đó là kho plug-in hỗ trợ khổng lồ với hơn 4000 plug-in, cung cấp cho các blogger vô vàn lựa chọn để mở rộng và tùy biến blog.
Sau đây là 10 plug-in WordPress thiết yếu nhất dành cho các blogger:
1, Dagon Design Form Mailer
Khi ghé thăm một trang tin bất kỳ, bạn luôn nhìn
thấy 5 phần cơ bản: trang “Giới thiệu” (About), trang “Liên hệ”
(Contact Us), ô tìm kiếm, RSS và “Bản đồ trang” (Site map). Trong đó,
phần “Liên hệ” và “Bản đồ trang” cần được tạo nhờ plug-in.
Nếu muốn cung cấp cho độc giả cách thức liên hệ với
bạn mà không cần phải công khai địa chỉ e-mail của bạn, bạn có thể nhờ
tới sự trợ giúp từ các plug-in để tạo Webform liên hệ. Mặc dù WP Contact Form là một plug-in cực kỳ dễ sử dụng, nhưng Dagon Design Form Mailer
lại vượt trội về tính linh hoạt. Plug-in này cung cấp rất nhiều phương
thức nhập liệu cho độc giả của bạn, chẳng hạn như ô ký tự (text field),
nút chọn (radio button), hộp kiểm (checkbox), trình đơn xổ xuống
(dropdown), lịch. Dữ liệu có thể được lưu trên máy chủ hoặc được e-mail
cho cả người gửi và người nhận.
Với sự linh hoạt của plug-in này, kèm theo một tài
liệu hướng dẫn khá đầy đủ, bạn có thể ứng dụng nó để tiếp nhận phản hồi
từ độc giả, lập lịch sự kiện, tạo mẫu đăng ký, tạo mẫu đặt vé v..v..
2, Dagon Design Sitemap Generator
Tác giả của Dagon Design Form Mailer cũng cung cấp một plug-in tuyệt vời nữa đó là Dagon Design Sitemap Generator for WordPress. Plug-in này cho phép tạo một bản đồ trang - công cụ giúp bạn dễ dàng có cái nhìn toàn cục về nội dung website.
Để sử dụng Sitemap Generator, bạn chỉ cần kích hoạt
nó và dành riêng một trang trong đó có thẻ HTML gọi plug-in này (chính
là trang “Bản đồ trang”). Từ đó về sau, mỗi thông tin bạn đưa lên blog
WordPress đều được ghi vào bản đồ trang của bạn (tất nhiên là trừ
trường hợp bạn không muốn).
3, Google (XML) Sitemaps Generator
Thêm một plug-in bạn nên dùng, đó là Google (XML) Sitemaps Generator for WordPress.
Plug-in này tạo một bản đồ trang theo khuôn mẫu đặc biệt mà Google dùng
để nhận biết nội dung blog của bạn. Việc đưa bản đồ trang dạng XML lên Google Webmaster Tools
không chỉ cải thiện khả năng blog của bạn được Google tìm thấy mà còn
giúp bạn phát hiện những liên kết hỏng, những trang không truy cập được.
4, Google Analyticator
Thật khó để phục vụ độc giả được tốt nếu bạn không
nắm được một số thông tin về họ. Chẳng hạn như họ từ đâu tới? Họ dùng
hệ điều hành và trình duyệt nào? Những trang nào, bài viết nào được đọc
nhiều?
Bạn có thể tìm thấy tất cả những thông tin trên nhờ Google Analyticator. Đăng ký một tài khoản miễn phí trên Google Analytics,
kích hoạt plug-in này, sau đó những đoạn code cần thiết sẽ tự động được
thêm vào tất cả các trang trên blog bạn. Những dữ liệu giám sát thu
được giúp bạn biết hàng ngày có bao nhiêu khách ghé thăm blog bạn,
những trang nào trên blog thu hút được nhiều lượt xem. Từ những thông
tin rất hữu ích này, bạn có thể hiểu được sở thích của độc giả, qua đó
chọn được nội dung thích hợp để đăng tải trong thời gian tiếp theo.
WordPress.com Stats
cũng là một plug-in có khả năng tương tự nhưng thông tin phân tích hạn
chế hơn. Quả thực, với một dịch vụ miễn phí như Google Analyticator,
những thông tin bạn thu được là quá đỗi tuyệt vời.
5, Simple Tags
Phiên bản WordPress 2.3 xuất hiện vào tháng 9 năm
2007 cập nhật chức năng thêm nhãn (tag) cho bài viết, giúp tác giả phân
loại bài viết nhờ từ khóa. Tuy nhiên, khi lượng bài viết nhiều lên,
lượng từ khóa trở nên đồ sộ, cồng kềnh, khó quản lý và khai thác hiệu
quả nếu không có sự trợ giúp từ plug-in như Simple Tags.
Simple Tags thêm ba mục vào menu đăng bài, đó là: Manage Tags, Mass
Edit Tags và Auto Tags. Manage Tags cung cấp khả năng thêm - sửa - xóa
từ khóa hàng loạt. Mass Edit Tags liệt kê ra toàn bộ từ khóa, cho phép
bạn sửa từ khóa của 100 bài cùng lúc. Auto Tags sẽ tự động thêm từ khóa
vào những bài viết thỏa mãn yêu cầu do bạn định sẵn.
Ngoài ra Simple Tags còn có thêm một số tùy chọn
khác, chẳng hạn như: tìm kiếm những từ đặc biệt trong bài viết và liên
kết nó tới trang danh mục những bài có từ khóa đó; cho phép tác giả đặt
từ khóa cho từng bài viết hoặc cho từng trang; tìm kiếm và gợi ý những
từ khóa thích hợp; tìm kiếm bài viết có từ khóa tương tự và liệt kê ra
dưới dạng “Bài viết liên quan” trên blog, trên RSS hoặc cả hai.
Nếu bạn là một người ưa thích viết bài mà không quan
tâm đến việc phân mục và liên kết bài viết, có lẽ Simple Tags sẽ không
đem lại lợi ích gì. Tuy nhiên, thực sự đây là một plug-in hết sức hữu
ích, giúp cả bạn lẫn độc giả dễ dàng tìm kiếm và tra cứu thông tin.
6, All in One SEO Pack
Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (Search Engine
Optimization - SEO) là “phép màu” theo lời ví von của một chuyên gia
trên ComputerWorld. Thực tế việc chăm chút tới nội dung và code để cải
thiện thứ hạng website trên các công cụ tìm kiếm như Google đem lại
nhiều lợi ích rõ ràng.
Nếu bạn muốn blog của mình dễ dàng được tìm thấy bởi
các công cụ tìm kiếm, bạn có thể tham khảo và làm theo những bài viết
hướng dẫn về SEO. Tuy nhiên, nếu muốn tiết kiệm thời gian mà vẫn đạt
được hiệu quả tương đương, All in One SEO Pack
sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời cho bạn. Với plug-in này, bạn có thể lập
đoạn mô tả và từ khóa cho blog cũng như từng bài viết nhờ nhãn của bài
theo mặc định. Tất cả những thông tin này sẽ được đặt vào phần HTML của
blog - nơi độc giả không nhìn thấy nhưng các công cụ tìm kiếm lại thấy
rõ.
Đối tượng chính mà bạn hướng đến - những vị khách
thường xuyên ghé thăm blog - là những độc giả của bạn, và blog của bạn
được viết dành cho họ. Nhưng với “phép màu” All in One SEO Pack mang
lại, hãy yên tâm rằng độc giả sẽ tìm đến với bạn trước.
7, Exec-PHP
WordPress được viết bằng ngôn ngữ kịch bản linh hoạt
PHP. Tuy nhiên, việc sử dụng trực tiếp code PHP trong các bài viết trên
blog là điều không thể. Đấy là nếu bạn không có Exec-PHP.
Vì sao bạn lại muốn nhúng code PHP vào bài viết? Có
rất nhiều trường hợp, chẳng hạn như khi bạn muốn tắt tính năng tự động
định dạng đoạn văn bản của WordPress - chỉ cần một dòng code PHP là đủ.
Đôi khi bạn không thể tìm thấy plug-in nào hoàn thành được điều bạn
muốn, nhưng chỉ vài dòng code thôi, vấn đề sẽ được giải quyết.
Theo mặc định, WordPress không cho phép nhúng code
PHP, một phần là do vấn đề bảo mật. Nếu chẳng may có đoạn mã độc xuất
hiện trên blog bạn, WordPress sẽ bỏ qua nó một cách an toàn. Hãy sử
dụng Exec-PHP cẩn thận để khai thác được những lợi ích plug-in này mang
lại.
8, NextGen Gallery
Phiên bản WordPress 2.5 giới thiệu thư viện cho phép
tải lên và quản lý tệp tin. Thế nhưng thư viện này chỉ phù hợp nhất với
việc lưu trữ ảnh hoặc văn bản PDF để chèn vào bài viết. Nếu bạn muốn có
một thư viện quản lý ảnh thực thụ, hãy thử NextGen Gallery.
NextGen chấp nhận cho tải ảnh lên qua HTTP hoặc FTP
với cả định dạng ảnh (*.jpg, *.gif, v..v..) lẫn định dạng nén (*.zip).
Khi đã có trong thư viện ảnh, mỗi bức ảnh sẽ có tiêu đề, mô tả và từ
khóa riêng dựa theo thông tin ban đầu từ Exif hoặc dữ liệu XMP metadata
của ảnh. Thư viện ảnh có thể được sắp xếp tự động nhờ những thông tin
trên, hoặc bạn có thể tự tay sắp xếp bằng động tác kéo - thả. Những bức
ảnh có liên quan với nhau sẽ được hợp thành một album. Hình ảnh thu nhỏ
và kích cỡ hiển thị của ảnh có thể tinh chỉnh tùy ý giúp bức ảnh dễ
dàng hòa hợp với blog bạn.
Nếu bạn có ý định xây dựng trang blog ảnh thực sự -
chuyên cung cấp và trình diễn ảnh - nên tích hợp dịch vụ ảnh chuyên
nghiệp như Flickr.
Tuy nhiên, nếu blog bạn chỉ thỉnh thoảng cần trình diễn ảnh, hoặc bạn
muốn mọi thứ được tích hợp ngay vào WordPress mà không cần phải đăng ký
dịch vụ khác, NextGen sẽ là sự lựa chọn phù hợp.
9, Subscribe to Comments
Một blog hoàn thiện không thể thiếu sự tương tác
giữa tác giả và độc giả. Bạn cần lắng nghe và phản hồi những bình luận
của bạn đọc, tạo nên những cuộc thảo luận, trao đổi bổ ích. Một lời
khuyên dành cho bạn đó là hãy giúp độc giả gửi bình luận một cách dễ
dàng nhất có thể.
Subscribe to Comments
thêm một ô kiểm tùy chọn vào phần bình luận. Bình thường WordPress luôn
yêu cầu nhập địa chỉ e-mail khi gửi bình luận, từ đó Subscribe to
Comments sẽ gửi thông báo tới hòm thư của người bình luận mỗi khi có
bình luận mới.
Nếu không có plug-in này, sẽ có nhiều trường hợp
khách ghé thăm blog bạn để lại câu hỏi mà không hề quay lại xem lời
giải đáp. Subscribe to Comments đóng vai trò như một cầu nối giữa bạn -
chủ blog - và độc giả, cũng như giữa bạn đọc với nhau.
10, AJAX Comment Preview
Chắc hẳn bạn sẽ không muốn đăng một bài viết nếu
chưa click nút “Preview” để xem trước. Bởi vậy, nếu là một độc giả bạn
cũng sẽ muốn xem trước bình luận của mình khi gửi lên sẽ như thế nào.
Plug-in AJAX Comment Preview chính là thứ bạn cần.
Với AJAX Comment Preview,
bình luận của bạn đọc sẽ được biến đổi giống như khi đã gửi lên mà
không cần phải refresh (làm mới, tải lại) trang web. Nhờ đó bạn đọc có
thể sửa đổi lại bình luận của mình cho ưng ý trước khi nhấn nút Gửi.
Không chỉ là một công cụ xem trước hiệu quả, AJAX Comment Preview còn
là công cụ tuyệt vời để bạn đọc thử xem blog của bạn có chấp nhận HTML
hoặc BBCode hay không, giúp việc định dạng bình luận thuận tiện hơn.
|