Chất lượng Internet
băng rộng của Việt Nam liên tục bị đứng gần cuối trong các xếp hạng
toàn cầu. Các ISP trong nước tỏ ra hoài nghi về kết quả xếp hạng này.
ISP: Chúng tôi vẫn… tốt
|
Chất
lượng đường truyền kém không chỉ khiến người dùng thất vọng mà còn gây
khó khăn cho hoạt động kinh doanh của những nhà khai thác dịch vụ nội
dung. (Ảnh minh họa: Lã Hồng) |
Khi được hỏi, các Nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) Việt Nam tỏ ra
hoài nghi về các công bố xếp hạng băng rộng của Việt Nam trên thế giới,
không hiểu cách tính toán xếp hạng như thế nào. Họ cho rằng với những
nỗ lực nâng cấp dung lượng đường truyền liên tục, hiện nay chất lượng
dịch vụ Internet băng rộng ADSL cũng khá tốt. Điều này còn thể hiện qua
kết quả đo kiểm chất lượng Internet do Bộ TT&TT tiến hành: các dịch
vụ đều đạt chất lượng theo quy định. Ông Phạm Thành Đức, Phó TGĐ FPT
Telecom cho biết: “Tôi
không rõ Đại học Oxford đưa ra phương pháp đánh giá như thế nào để có
kết quả như vậy và cũng không rõ việc đánh giá này có được các tổ chức
quốc tế chuyên ngành về lĩnh vực này công nhận hay không? Nếu chỉ tiến
hành đánh giá qua việc truy cập qua website speedtest.net sẽ có những
bất cập. Chẳng hạn, khi đánh giá băng rộng của Việt Nam ra một nước nào
đó, trong khi kết nối đó lại đi qua nhiều trạm trung chuyển thì chắc
chắn nó sẽ không thể nhanh bằng kết nối trực tiếp”. Ông Đức cũng
khẳng định, trong vài năm gần đây cứ bình quân 6 tháng đến 1 năm thì
các doanh nghiệp của Việt Nam lại tăng dung lượng kết nối đi quốc tế từ
1,5 đến 2 lần và như vậy không thể có chuyện băng rộng Việt Nam thụt
lùi.
Ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom cũng khẳng định chất lượng băng
rộng của Việt Nam đã được nâng lên rất mạnh. Thậm chí, với việc sắp tới
một số doanh nghiệp Việt Nam sẽ đưa tuyến cáp quang biển AAG vào khai
thác thì việc kết nối đi quốc tế sẽ tốt hơn rất nhiều. Trên thực tế
Việt Nam đã triển khai trạm trung chuyển VNIX nên kết nối trong nước
hiện giờ rất tốt. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng việc nhiều doanh nghiệp
tại Việt Nam đặt máy chủ ở nước ngoài để né việc kiểm duyệt cũng có thể
là một tác nhân làm chậm tốc độ kết nối đi quốc tế tại Việt Nam. Vì
vậy, cần khuyến khích đặt máy chủ ở Việt Nam để giảm bớt băng thông đi
quốc tế.
Ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc VDC lại đề cập đến thời điểm tiến hành đánh
giá này. Nếu thực hiện đúng vào thời điểm đứt cáp quang biển vừa qua
thì sẽ có kết quả băng thông kết nối đi quốc tế của Việt Nam bị hạn
chế.
Doanh nghiệp nội dung: Internet tụt hậu so với nhu cầu
Nhưng các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng trên nền web như game, mạng xã
hội, chia sẻ video, Internet TV… không được lạc quan như các ISP.
Liên doanh ChợĐiệnTử - eBay là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại
Việt Nam có dịch vụ mua bán xuyên biên giới với mạng eBay toàn cầu. Một
người dùng muốn xem sản phẩm trên eBay phải thực hiện những câu lệnh để
sản phẩm được load trên server của ebay.com (Mỹ) về ebay.vn (Việt Nam),
cũng như khi thực hiện thanh toán phải liên thông được với hệ thống
thanh toán của PayPal (Mỹ) và Ngânlượng.vn (Việt Nam). Do vậy, tốc độ
truyền dữ liệu chậm chắc chắn làm khách hàng chán nản và không muốn
tiếp tục mua hàng. “Chất
lượng đường truyền kém, chậm, hay lỗi đối với một doanh nghiệp cung cấp
các dịch vụ bán hàng qua mạng như chúng tôi đồng nghĩa với việc tự kiết
liễu mình”, ông Nguyễn Hòa Bình, TGĐ liên doanh nói.
Để đưa ra một minh họa điển hình cho chất lượng băng rộng, ông Bình cho
biết chỉ riêng văn phòng của ChợĐiệnTử - eBay tại TP.HCM đã 4 lần thay
đổi dịch vụ Internet từ ADSL đến đường truyền cáp quang hoặc thậm chí
cùng một lúc phải duy trì đường truyền của 2-3 nhà cung cấp, vừa lãng
phí vừa tốn kém.
Một nguồn tin từ Vega - công ty chuyên cung cấp dịch vụ trên nền
Internet cho biết các dịch vụ họ phát triển đã không đạt được kết quả
như kỳ vọng bởi dịch vụ mới phổ biến ở Hà Nội và TP.HCM, và số lượng
người dùng cũng không như mong muốn do một phần việc tải lên/xuống
video hoặc xem video trực tuyến thường xuyên bị rớt mạng, giật cục.
Hiện tại, nhiều nhà cung cấp đang đua nhau tung ra dịch vụ truyền hình
Internet (IPTV) – một dịch vụ mà chất lượng băng thông mang yếu tố sống
còn. Ông Lê Vinh, Giám đốc Trung tâm IPTV của VASC cho biết khi triển
khai dịch vụ này, VNPT, công ty mẹ của VASC, đã yêu cầu các Viễn thông
tỉnh cung cấp hạ tầng ADSL đúng tiêu chuẩn kỹ thuật trong giấy phép Bộ
TT&TT cấp.
Theo ICTNews
|