Để
đòi bồi thường cho những tác phẩm Google số hoá, các tác giả Việt Nam
chỉ việc gửi bảng yêu cầu bồi thường chứ hoàn toàn không phải làm gì
khác.
Mọi thoả thuận với Google đều do tác giả có tác phẩm được số hoá quyết định.
Câu chuyện xoay quanh dự án thư viện của Google
Tại trang chủ của Trung tâm Hỗ trợ Thoả thuận Thu xếp Sách của Google (googlebooksettlement.com)
- trang web quản trị thoả thuận thu xếp vụ kiện Tập thể về Tác quyền
trên Tìm kiếm Sách của Google cho thấy: Năm 2004, Google thực hiện dự
án thư viện số hóa tại địa chỉ http://books.google.com/,
trong dự án này Google sẽ thoả thuận hợp tác với một số thư viện để số
hoá sách, bao gồm sách được bảo vệ bởi luật tác quyền Hoa Kỳ.
Vấn đề bắt đầu trở nên rắc rối khi một số sách được Google số hoá đưa
tới người đọc, đã gặp phản hồi của một số nhà xuất bản và tác giả cho
rằng Google đã chưa xin phép họ, như thế là đã vi phạm tác quyền.
Google đã tranh luận rằng việc số hoá các cuốn sách và hiển thị các mẩu
thông tin, hoặc một vài dòng trong cuốn sách là được phép theo quy tắc
luật tác quyền Hoa Kỳ về việc “sử dụng chính đáng”.
Thay vì giải quyết tranh chấp pháp lý cho việc liệu công tác số hoá của
Google và việc hiển thị các cuốn sách có được phép theo luật pháp Hoa
Kỳ như một hình thức “sử dụng chính đáng” hay không, các bên đã thương
thảo một thoả thuận thu xếp.
Sau những cuộc điều tra dài của Nguyên đơn và Google, và sau hơn hai
năm thương thảo các bên đã nhất trí với Thoả thuận Thu xếp cho phép các
bên tránh được những chi phí và nguy cơ bị đưa ra xét xử
Thoả thuận này được áp dụng cho những cuốn sách xuất bản trước ngày
5/01/2009. Nếu các tác giả hay nhà xuất bản thấy sách của mình được
Google số hoá lên mà chưa được phép của mình thì có thể làm đơn theo
mẫu tại trang googlebooksettlement.com để yêu cầu bồi thường trước hoặc
vào ngày 5/05/2009 hoặc có thể đề nghị Google xoá bỏ nó đi nếu không
muốn vào hoặc trước ngày 5/4/2011.
Nếu như chấp nhận để Google số hoá cuốn sách, thì Google sẽ thanh toán
tiền bản quyền cho tác giả cuốn sách như sau: Google sẽ trả tối thiểu
45 triệu USD để bồi thường cho các Chủ bản quyền có tác phẩm được
Google tiến hành quét mà không có sự cho phép tính đến ngày 5/5/2009.
Các chủ bản quyền của tác phẩm đã được Google quét mà không có sự cho
phép tính đến ngày 5/5/2009 có đủ tiêu chuẩn để nhận các khoản thanh
toán bằng tiền mặt, ít nhất là 60 USD /Tác phẩm gốc, 15 USD /Phụ trang
hoàn chỉnh, và 5 USD /Phụ trang từng phần.
Bên cạnh đó Google sẽ trả 63% tổng thu nhập mà Google có được từ các
hình thức sử dụng mang tính thương mại đối với các cuốn sách. Tác giả
có quyền xác định mức độ cho Google sử dụng các tài liệu tác quyền của
mình cũng như các phụ trang trong dịch vụ thư viện Book Search của
Google.
Đến câu chuyện đòi tiền Google ở Việt Nam
Tại sao lại có sách của Việt Nam trong thư viện số hoá của Google, điều đó được giải thích như sau: Theo
Google thì trong thư viện số hoá đã có hơn 7 triệu cuốn sách và trong
quá trình số hoá sách của các thư viện ở Hoa Kỳ thì các sách của Việt
Nam trong các thư viện đó cũng được số hoá theo. Vì thế về nguyên tắc
thoả thuận ở trên thì các tác giả của Việt Nam cũng sẽ là một thành
viên trong thoả thuận đó và có quyền yêu cầu Google trả tác quyền cho
sách của mình. Để xem sách của mình có trong đó hay không, các tác giả Việt Nam chỉ cần dùng chức năng search là có thể biết được.
Ảnh chụp màn hình trang sách điện tử của Google.
Vụ việc đơn giản chỉ có thế, nhưng trong thời gian
gần đây các phương tiện thông tin đại chúng ở trong nước đã quan trọng
hoá vấn đề lên, thậm chí một số tổ chức đã lập ra kế hoạch đưa ra các
phương pháp để đòi tiền Google. Rồi tung lên các thông tin như Google
trả hàng trăm triệu USD/năm cho các tác giả Việt Nam hay chỉ trả hơn 4
tỉ đồng cho các sách của Việt Nam, Google đã gửi thương thảo tới các tổ
chức đứng ra đại diện cho các tác giả ở Việt Nam, hoàn toàn là những
điều không hợp lý.
Ngay cả chuyện thời hạn các tác giả ngoài nước Mỹ tham gia vụ kiện với
hạn chót là ngày 4/9/2009 cũng là chưa chính xác. Vì theo thông tin từ
trung tâm hỗ trợ ở trên trong phần các câu hỏi thường gặp có giải thích
rõ: theo thoả thuận nếu tác giả không tham gia thì phải truy cập trực
tiếp tại địa chỉ trên trước hoặc vào ngày 4/9/2009 để điền vào mẫu
không tham gia hoặc gửi thông báo bằng văn bản qua Thư hạng nhất, bưu
phí trả trước, có dấu bưu điện vào hoặc trước ngày 04/9/2009 cho Quản
trị viên phụ trách Thoả thuận thu xếp. Còn nếu không thực hiện việc đó
coi như tác giả đã tham gia vào thoả thuận và không có quyền kiện tụng
Google về những phát sinh sau này.
Từ những thông tin trên có thể kết luận như sau: tác giả Việt Nam nếu
không làm đơn không tham gia vào vụ kiện trước hoặc vào ngày 4/9/2009
thì coi như đã tham gia thoả thuận trên của Google với các tác giả và
NXB trên toàn thế giới. Điều đó có nghĩa các tác giả đã chấp nhận khoản
tiền trả tác quyền của Google. Các tác giả Việt Nam chỉ việc vào thư
viện Google ở trên search xem tác phẩm của mình có được số hoá không,
nếu có thì tiến hành gửi bảng yêu cầu bồi thường chứ hoàn toàn không
phải làm gì khác. Còn nếu không thích Google số hoá tác phẩm của mình
thì tác giả cũng chỉ cần gửi yêu cầu đến Google kêu huỷ nó đi.
Còn nếu xác định không tham gia thoả thuận trên thì các tác giả phải
gửi mẫu yêu cầu hoặc văn bản đến Google đúng với thời hạn trên thì sau
này có muốn tham gia kiện tụng gì mới có thể coi là hợp pháp. Điều này
cũng có nghĩa là mọi quyền quyết định về thoả thuận với Google đều do
tác giả có tác phẩm được số hoá tự phán quyết hoàn toàn không phải
thông qua một tổ chức nào khác đứng ra thực hiện cho và phải trả tiền
hoa hồng như một số thông tin gần đây trên các phương tiện truyền thông.